Thanh tra quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư: Đừng để nảy sinh tiêu cực

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó có hàng chục dự án nhà chung cư thuộc diện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Theo đánh giá, đây là việc làm cần thiết nhưng các đơn vị thực hiện cũng phải nâng cao trách nhiệm để tránh phát sinh những tiêu cực mới trong quá trình thanh tra.
Mâu thuẫn gia tăng
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2019, cả nước đã xảy ra 458 vụ tranh chấp tại các dự án nhà chung cư. Trong đó, có 68 vụ tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư, chiếm khoảng 10,3%. Tỷ lệ này thực tế chưa lớn nhưng đáng quan ngại là nhiều chủ đầu tư đã chiếm dụng số tiền hàng chục tỷ đồng trong quỹ bảo trì.
 Cư dân phản đối về chất lượng dịch vụ tại chung cư Ecoland, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn
Việc đóng góp kinh phí bảo trì nhà chung cư đã được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 108 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, người mua nhà sẽ phải đóng 2% giá trị căn hộ khi nhận bàn giao nhà và chủ đầu tư sẽ phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật đã quy định, trong thời hạn 7 ngày, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi kinh phí vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam và thông báo cho cơ quan quản lý nơi có nhà chung cư biết.
Sau khi Ban Quản trị nhà chung cư được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ phí bảo trì theo hồ sơ quyết toán số liệu đã thống nhất, đồng thời gửi văn bản báo cáo Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư để theo dõi.
Mặc dù các văn bản luật đã quy định rõ ràng nhưng thực tế trong thời gian qua, những tranh chấp, mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư giữa các chủ đầu tư với cư dân tòa nhà diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, căng thẳng gia tăng.
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, những mâu thuẫn này khởi nguồn từ việc các chủ đầu tư dự án chung cư đã “lách luật” để sử dụng phí bảo trì cho mục đích tư lợi. Trong khi đó, người dân lại quá cả tin trong việc ký kết hợp đồng kinh tế. Chung cư cũng là một sản phẩm hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt, khi được đưa ra bán phải có cam kết thời gian bảo hành, bảo dưỡng; hết thời gian bảo hành mới đến bảo trì, sửa chữa.
“Nhưng thực tế người dân lại đồng ý với thỏa thuận nộp tiền phí bảo trì ngay khi nhận bàn giao nhà; còn các chủ đầu tư với nguồn quỹ vài chục thậm chí vài trăm tỷ đồng đã thu lại muốn sử dụng để làm lợi cho DN mình” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.
Phải giám sát chặt chẽ
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, đến hết quý II/2019, có 254 trên tổng số 492 chung cư thương mại (chiếm 52%), 33 trong số 82 chung cư tái định cư (chiếm 40%) chủ đầu tư chưa bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị. Trong số này có 39 trường hợp có tranh chấp về kinh phí bảo trì xảy ra ở chung cư thương mại. Mặc dù TP đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như xử phạt hành chính, công khai các danh tính các chủ đầu tư vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng… song vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này.
Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó có hàng chục dự án nhà chung cư tập trung đa số ở các TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… thuộc diện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Đây là lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng.
Theo KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội, ban hành kế hoạch thanh tra công tác quản lý, sử dụng các dự án chung cư là kế hoạch thường niên mà cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phải làm. Nhưng việc thực hiện thanh tra quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư là điểm mới trong kế hoạch thanh tra lần này. KTS Trần Huy Ánh cũng tỏ ra lo ngại vì công tác thanh tra vốn đã xảy ra rất nhiều tiêu cực trong thời gian qua, nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh những tiêu cực.
“Có cơ quan chuyên môn đứng ra làm trọng tài nhưng thực tế họ không phải là người bị ảnh hưởng quyền lợi ở các dự án chung cư nên họ sẽ dễ dàng bị thỏa hiệp để được hưởng quyền lợi do một trong hai bên tranh chấp mang lại. Như vậy, những tiêu cực mới sẽ bị nảy sinh từ những tiêu cực hiện tại và cốt lõi của vấn đề vẫn sẽ không được giải quyết triệt để” – ông Ánh nhận định.

"Khi những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân toà nhà đã bị đẩy lên đến cao trào, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa thể xử lý một cách hiệu quả thì thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư là việc làm cần thiết. Đã đến lúc buộc các bộ, ngành chuyên môn phải vào cuộc nhưng sự cần thiết còn nằm ở việc phải “trong sạch” trong chính đội ngũ những người làm công tác thanh tra." - KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần