Thanh tra toàn bộ hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải trên đường bộ, đường thủy nội địa.

Theo đó, thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thương lớn về người và tài sản.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, thuyền viên, người lái tại cảng, bến thủy nội địa.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến khách; kinh doanh nhà hàng, khách sạn nổi trên sông; vận chuyển khách ngang sông, dọc tuyến trên đường thủy nội địa; hoạt động vận chuyển khách tuyến từ bờ ra đảo; hoạt động điều tiết giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường thủy nội địa.

Về đường bộ, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc hấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, lái xe tại bến xe, nơi dừng đỗ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT tập trung sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp đặt trên xe ô tô để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo thống kê, tình hình tai nạn giao thông 2 tháng đầu năm giảm theo cả ba tiêu chí, song những vụ tai nạn thảm khốc lại đang có xu hướng tăng cao.

 

Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có công điện gửi tới các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam ngày 26/02/2022, đồng thời yêu cầu kiểm tra toàn bộ các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo.

Theo đó, để chủ động, kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam khẩn trương tổ chức phân tích để tìm ra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra vụ tai nạn nói trên; đồng thời chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra, rà soát toàn bộ các phương tiện chở khách, đặc biệt là phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; đình chỉ hoạt động của các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Các đơn vị báo cáo kết quả xử lý về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 15/3/2022; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam và các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn nói trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn khẩn trương điều động tàu tham gia tìm kiếm, cứu nạn; các Cảng vụ hàng hải tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện thủy phục vụ các lễ hội, tàu cao tốc…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần