Thanh tra vụ “sao y bản chính không cần bản chính”

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin phản ánh trên truyền hình về việc một văn phòng công chứng trên địa bàn Hà Nội thực hiện việc chứng thực bản sao không đúng quy định của pháp luật. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, đơn vị đã vào cuộc, đang tiến hành thanh tra.

Theo đó, ngày 28/2, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội ban hành Quyết định về thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính đối với văn phòng công chứng nêu trên. Việc thanh tra hiện đang được đơn vị tiến hành theo quy định của pháp luật, đồng thời, cố gắng rút ngắn thời hạn thanh tra trước 15 ngày.
Ngày 3/3, thông tin tới báo chí, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho hay, hiện nay, việc chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có lĩnh vực chứng thực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.
Các Nghị định nêu trên đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm chứng thực; nghĩa vụ, quyền của người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực; trình tự, thủ tục chứng thực và chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong việc chứng thực bản sao từ bản chính, bao gồm cả đối với người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực.
Bên cạnh đó, đối với công chứng viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 về Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Theo đó, công chứng viên thực hiện không đúng quy tắc đạo đức hành nghề thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng cho hay, trên cơ sở kết quả thanh tra, trường hợp văn phòng công chứng, công chứng viên có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chứng thực, tùy theo mức độ và trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ xem xét xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần