Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (14/7), Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế huyện bị tác động mạnh của dịch Covid-19, nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 5.435 tỷ 865 triệu đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 1.010 tỷ 547 triệu đồng, đạt 69,9% so với dự toán TP giao và 65,4% so với dự toán HĐND huyện giao, tăng 76,1% so với cùng kỳ. Cùng đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác GPMB, giải ngân vốn đầu tư XDCB. Năm 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn sau điều chỉnh, bổ sung là 846 tỷ 810 triệu đồng phân bổ cho 61 dự án thì ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB 6 tháng đạt khoảng 267 tỷ đồng, đạt 38,2% kế hoạch vốn giao đầu năm và 31,5% kế hoạch vốn giao sau bổ sung.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện đã tổ chức tốt các hoạt động trang trí, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm các quy định của T.Ư, Thành phố và huyện về phòng chống dịch trong dạy và học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên; tạm ứng ngân sách huyện 43 tỷ đồng để chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay đã chi trả cho trên 12.000 đối tượng với tổng kinh phí trên 14,5 tỷ đồng… Ngoài ra, công tác xây dựng chính quyền, thi hành pháp luật; an ninh chính trị-TTATXH cũng đạt những kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng chia sẻ thông tin |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưng cũng chia sẻ, thực hiện đề án huyện lên quận, đến nay huyện còn thiếu 3 tiêu chí gồm cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cây xanh đô thị trên địa bàn. Với các xã, thị trấn, 100% xã, thị trấn đã đạt 8/18 tiêu chí; còn lại mỗi xã thiếu từ 1-10 tiêu chí. Huyện đã đánh giá chi tiết vấn đề này; đã xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để thực hiện từng tiêu chí, duy trì các tiêu chí đã đạt và cố gắng thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Theo chỉ đạo của Thành ủy, huyện cần hoàn thành đề án huyện lên quận vào năm 2025, song Đảng bộ huyện phấn đấu sẽ về đích trước 1-2 năm so với chỉ đạo của Thành phố.
Tại đây, trước vấn đề báo Kinh tế & Đô thị và một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án xây dựng huyện lên quận, ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: Về các chỉ tiêu huyện lên quận, 2 chỉ tiêu cơ bản chưa đạt là mật độ đường giao thông (huyện thiếu khoảng 61km2) và chỉ tiêu đất cây xanh công cộng (huyện thiếu khoảng 69 ha). Để hoàn thiện 2 tiêu chí này, đối với mọi tuyến đường thuộc thẩm quyền đầu tư của huyện theo phân cấp, huyện đã rà duyệt đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện; với 19 tuyến thuộc thẩm quyền đầu tư của Thành phố, UBND huyện đã báo cáo UBND Thành phố và được duyệt đến nay 6 tuyến đưa vào kế hoạch đầu tư bằng nguồn lực của huyện, đã có kế hoạch cụ thể.
Với tiêu chí mật độ cây xanh, định hướng phát triển đô thị của huyện thời gian tới là theo hướng sinh thái và bền vững, với mật độ cây xanh cao. Huyện đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các ô đất công còn trống trong các khu dân cư, giáp làng, để giao các xã cắm mốc, tuyên truyền vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng cho huyện. Với trên 4 ha ao hồ, UBND huyện đã báo cáo Huyện ủy cho cơ chế huyện sẽ hỗ trợ 70% kinh phí và Nhân dân đóng góp xã hội hóa 30% kinh phí để kè ao hồ, cải tạo thành các khu vui chơi công cộng cho người dân. Với các ô đất trong khu dân cư, UBND huyện sẽ hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, trồng cây 3 lớp và người dân đóng góp trang bị các dụng cụ thể thao, ghế đá… phục vụ các khu vui chơi cộng đồng trên địa bàn. Năm nay, huyện dự kiến đầu tư được khoảng 16 ha cây xanh và đặt mục tiêu Tết Trồng cây tới mỗi xã sẽ tổ chức trồng cây tại các ô cây xanh mà huyện đã giải tỏa và san lấp mặt bằng.
Quang cảnh buổi giao ban báo chí do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chủ trì |
Với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định, Thanh Trì là huyện ven đô nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn, do quá trình lịch sử nguồn gốc đất và chế độ chính sách bồi thường GPMB. Hiện huyện triển khai rất nhiều dự án, phục vụ 2 dạng có chính sách khác nhau là dự án nhận chuyển nhượng và dự án thu hồi. Người dân có so sách giữa 2 chính sách này, rất nhiều người không đồng thuận. “Tuy nhiên, UBND huyện kiên định theo nguyên tắc chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thực hiện đúng quy trình quy định, đảm bảo công khai theo đúng pháp luật; huy động đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn vào cuộc tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu” để người dân ủng hộ. Chúng tôi rất chú trọng công khai, minh bạch nguồn gốc đất, từ đó “áp” vào chính sách, cố gắng hạn chế tối đa nhầm lẫn. Vừa rồi có một số dự án mà người dân chưa đồng thuận, song trong 6 tháng tới và năm 2021, huyện đặt nhiệm vụ trọng tâm là công tác GPMB, để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án lớn, phục vụ huyện lên quận”- Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.