Thanh Trì về đích trước hẹn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi- Mặc dù xác định mục tiêu đến hết 2025 có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, nhưng đến cuối năm 2022, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 100% .

Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Thanh Trì, đặc biệt là sự đồng sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu của toàn thể Nhân dân trên địa bàn.
Đổi thay một vùng quê
Đi trên con đường trục chính xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, không thể không cảm nhận được sự đổi thay kỳ diệu của làng quê nơi đây. Đường làng được cứng hóa, sạch sẽ khang trang; ao hồ được cải tạo, kè bờ chắc chắn; môi trường trong xóm ngoài làng xanh – sạch; những bức tranh tường sinh động, vui tươi…

Khi được hỏi về chương trình xây dựng NTM nâng cao, người đan nón đầu làng - bà Ngyễn Thị Tách, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng vui vẻ cho biết, NTM đã khiến vùng quê này ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống người dân được nâng lên, cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại.

 

14 xã của huyện Thanh Trì đủ điều kiện công nhận xã NTM nâng cao năm 2022 gồm: Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ, Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Liệt, Hữu Hòa, Tam Hiệp, Tân Triều, Tả Thanh Oai. 1 xã được công nhận NTM nâng cao năm 2021 là xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã (đạt 100% số xã) đủ điều kiện công nhận NTM nâng cao.

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn, là xã điểm của TP Hà Nội thực hiện xây dựng NTM từ năm 2010 và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013, xã Đại Áng xác định tiếp tục giữ vững và phát huy các kết quả đạt được trong xây dựng NTM trên địa bàn.

Đảng bộ, chính quyền xã Đại Áng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao xã Đại Áng đã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành đối với từng thôn.

Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện...
Kết quả đến nay, xã Đại Áng đã có cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, trường học 3 cấp đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trong đó có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Số gia đình văn hóa đạt từ 95% trở lên, 4/4 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện.

Trên địa bàn có Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh, Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao với mô hình nuôi cá “sông trong ao” hoạt động hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng Nguyễn Bá Ky cho biết, cuối năm 2022, thực hiện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao, các hộ dân trong thôn đều hài lòng với tinh thần rất phấn khởi.
Linh hoạt, hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân, ngay sau khi huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, chặng đường xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã bước sang một giai đoạn mới – xây dựng NTM nâng cao.

Thanh Trì về đích trước hẹn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1
Thẩm định tiêu chí NTM nâng cao tại HTX nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
Theo đó, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, tổ dân phố.

Trong đó, công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của TP, của huyện về xây dựng NTM nâng cao được đẩy mạnh, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Đồng thời, huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 15/15 xã đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, linh hoạt, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đưa hành trình xây dựng NTM nâng cao thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Các công trình, dự án đều được thanh toán, quyết toán đúng kỳ hạn. Đáng ghi nhận, Nhân dân ở các xã trong huyện đã tích cực đóng góp tiền của và sức lao động để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đến nay, 15/15 xã không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Kinh tế phát triển đúng hướng, tăng trưởng khá. Trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau an toàn ở các xã Duyên Hà, Yên Mỹ với diện tích 140ha; mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Yên Mỹ diện tích 2.600m²; mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Áng với 1.200 con lợn thương phẩm và 150 con lợn nái; mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao "sông trong ao" tại xã Đại Áng với diện tích 16ha; mô hình trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc diện tích 148ha...

Bên cạnh đó còn hình thành và duy trì được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91%; tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 82,4%.

Hàng năm, giải quyết việc làm mới cho trên 3.000 lao động. Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống văn minh.
Đặc biệt, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương, NTM nâng cao ở mỗi xã của huyện Thanh Trì đều mang bản sắc riêng, phát huy được những thế mạnh vốn có, như: Các xã Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Liệt… phát triển thế mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ. Các xã Tam Hiệp, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai… duy trì các mô hình kinh tế, vùng trồng cây ăn quả tập trung và xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất với các DN. Xã Tân Triều phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vì có làng nghề truyền thống…
Cuối năm 2022 và đầu tháng 3/2023 vừa qua, Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội đã tổ chức thẩm định kết quả xây dựng NTM nâng cao năm 2022 tại các xã của huyện Thanh Trì.

Kết quả, cả 14 xã thực hiện xây dựng NTM nâng cao của huyện Thanh Trì năm 2022 đều đủ điều kiện công nhận xã NTM nâng cao với số điểm rất cao. Cộng với 1 xã đã đạt NTM nâng cao năm 2021 là xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đủ điều kiện công nhận NTM nâng cao năm 2022.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu đến hết 2025 có 10/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đến hết năm 2022, huyện đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tại 15/15 xã. Kết quả xây dựng NTM nâng cao tại huyện Thanh Trì đã hoàn thành vượt kế hoạch 2 năm”.
Thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu gắn với việc hoàn thiện các tiêu chí để xã lên phường, huyện lên quận.

 


Tính đến thời điểm này, Đoàn thẩm định của TP đã hoàn thành thẩm định 63 xã NTM nâng cao năm 2022, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra 38 xã. Trong đó, riêng huyện Thanh Trì vượt mục tiêu so với đăng ký 8 xã. Đây là kết quả rất lớn, có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn