Có một miền yêu dấu của riêng tôi
Nơi tiếng khóc tuổi thơ ở đấyMột vùng quê quăn queo cỏ cháyNhững mảnh đồi lô xô đá - trung du
Đó là nhà thơ nhà báo Nguyễn Hồng Hải. Từ mảnh đất bên dòng Lô anh bước chân vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội học khoa Ngữ Văn (tốt nghiệp 1992), rồi học thêm tấm bằng cử nhân Luật (1998) và thạc sĩ báo chí (2005). Đó là sự phát triển về con đường học vấn của nhà báo Nguyễn Hồng Hải từ một nhà báo viết, báo hình, cho đến nay đang là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II (trực thuộc VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam) tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hải trong ngày ra mắt 2 tập thơ |
Ta chạy về như ngọn gió cạn cùng sức lựcSà xuống dòng Lô để vợi đi cơn khátGột rửa con tim lầm lạcMay mà còn quê, còn lối trở về
2 tập thơ mới mới ra mắt của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hải |
Đọc thơ mới thấy bên ngoài Nguyễn Hồng Hải sôi nổi, ào ạt, là một người sâu cảm tận bên trong với nhiều buồn lắng. Tâm hồn anh dễ lay động với một ngọn gió bay, một chiếc lá lay, một bàn tay vẫy, một ánh mắt đưa. Những bài thơ bốn câu trong tập này vì thế đọc nhiều khi tưởng nhẹ nhõm mà lại vật vã. Ngỡ như với Nguyễn Hồng Hải cái gì cũng cất lên thành thơ được. Nhưng nước mắt của người đàn ông thường lặn vào trong như khi nhà thơ nhớ cha trong nỗi đồng vọng “bây giờ con lại làm cha / lại lầm lũi cõi ta bà sân si”. Người cha ấy đã cay sống mũi khi mang cho con gói mì tôm, gói chè Thái sang tận thủ đô Đan Mạch mà thương con thương cả mình.
Nguyễn Hồng Hải “nghe hương rơm rạ gọi nhau tìm về” vùng quê sinh thành, miền ký ức tuổi nhỏ khi đã đi đến giữa chặng đường thường được mặc định là kỳ hạn sống trong “cõi người ta”. Người xưa đến tuổi này đã có thể an nhiên tự tại. Người nay “bấm đốt ngón tay đếm thăng trầm được mất” vẫn thấy “tuổi năm mươi như dấu hỏi giữa trời”
Nguyễn Hồng Hải đã treo lên dấu hỏi đó ở tập thơ mới này của mình. Dấu hỏi làm mũi tên dẫn lối nhà thơ tìm về và tìm đi. Dấu hỏi nối hôm qua “hai mươi tuổi ngỡ tưởng mình giàu có / đặt cược thanh xuân mua bán cả thiên hà” sang hôm nay “tuổi năm mươi như con thuyền trong bão / bến bờ nào cũng thăm thẳm trùng khơi”. Kể ra người thơ ngần ngại trước tuổi mình như vậy là rất chi nỗi niềm. Khoảng cách thời gian giữa hai cái tuổi xét ở thời nay thì không phải là gì ghê gớm. Con người thời hiện đại trẻ trung lâu hơn tuổi. Nhưng có khi chính thế người thơ mới càng ý thức rõ rệt hơn bước đi gấp gáp của thời gian và sự chất chồng của tuổi tác không phải theo năm tháng mà theo cái sống từng ngày. Nhìn tấm ảnh cũ anh thấy lại những đồ đạc cũ vẫn còn đến hôm nay và cả bông hoa mới nở khi ấy, khi bức ảnh được chụp. Nhưng đến bây giờ thì bông hoa ấy cũng đã phảng phất dáng hình xưa cũ, gắn với những kỷ niệm đắng ngọt một thời trẻ trai. Và dù anh có muốn hoa mãi mãi tinh khôi như khi nó mới được chụp thì nước ảnh cũng đã lên màu thời gian.
Tựa cửa nghe ời ời ký ứcTháng ngày vỡ nát sau lưngĐâm ra anh đắn đo từng bước trước một ngã tư cuối đường để đến nỗi kiếp này, đời này không đến được với em. Hơn thế, anh còn sợ lạc đường nếu một giây lơ đễnh trên những nẻo đi đã quen thuộc sẽ khiến mình rẽ nhầm lối khác. Từ kinh nghiệm đi đường thực tế hàng ngày nhà thơ nghĩ tới
Và trên nẻo đường số phận dắt ta quaCó hạnh phúc, khổ đau, hoa hồng và gai gócNào ai nắm tay trọn đời mà biết đượcChỉ lơ đễnh một chút thôi, có thể, lại lạc đường
Cũng từ một kinh nghiệm đi Metro ở Stockholm anh nhận ra mình có thể là người chậm chân nếu lỡ nhịp tàu. Khi đó chỉ còn lại rỗng không sân ga và người bị bỏ lại.
Nhưng Nguyễn Hồng Hải đã biết tìm về vườn của mẹ ở thành Tuyên. Ký ức cứ đầy lên sau mỗi ngày sống trôi qua. Khu vườn giữ lại cho anh cảm xúc sống, cảm xúc thơ. Mùi hương rơm rạ trong thơ anh vương vấn lòng người đọc. Đó là mùi hương thành Tuyên thành thơ của Nguyễn Hồng Hải.
Hà Nội, đầu Đông 2020