Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành viên NATO nhận định “sốc" về viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Hungary, quốc gia thành viên Liên minh châu  Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thừa nhận chiến thắng của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là "bất khả thi".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters

Theo RT, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, ý tưởng cho rằng sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây sẽ giúp Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường là sai lầm căn bản.

"Quan điểm của tôi hoàn toàn dựa trên thực tế. Rõ ràng, sự hợp tác giữa Ukraine và phương Tây là một sự thất bại", Thủ tướng Orban nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild của Đức ngày 27/6.

Theo nhà lãnh đạo Hungary, đề xuất rằng vũ khí, tài chính và thông tin tình báo mà Mỹ và EU cung cấp cho Ukraine sẽ đưa Kiev tới chiến thắng "là một sự hiểu sai về tình hình".

“Điều đó là bất khả thi. Vấn đề là Ukraine sẽ cạn kiệt binh lính trước Nga và đó sẽ là nhân tố quyết định cuối cùng,” ông đánh giá.

Thủ tướng Hungary cũng bác bỏ quan điểm cho rằng tất cả lãnh thổ Ukraine sẽ bị Nga chiếm giữ nếu không có sự hỗ trợ của NATO, và gọi đó là "giả thuyết không có căn cứ".

Thủ tướng Orban nhấn mạnh, một lệnh ngừng bắn giữa Moscow và Kiev phải đạt được sớm nhất có thể, hoặc Ukraine sẽ "tổn thất không thể tưởng tượng được về sinh mạng và tài sản. Ông lưu ý thêm “đó là lý do tại sao hòa bình là giải pháp duy nhất trong thời điểm này".

Tuy nhiên, ông Orban đánh giá, các cuộc giao tranh sẽ không dừng lại cho đến khi các bên ủng hộ chính của Ukraine, đặc biệt là Mỹ, quyết định nên có giải pháp hòa bình. Nhà lãnh đạo Hungary giải thích thêm: "Trên thực tế, Ukraine không có khả năng tài chính, không có vũ khí. Họ chỉ chiến đấu bởi vì phương Tây hỗ trợ họ".

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức, Thủ tướng Hungary cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU chống Nga liên quan đến cuộc xung đột, cho rằng chúng không thể "buộc Moscow đầu hàng" và không thể đem lại hòa bình cho Ukraine. Ông Orban nêu rõ: “Các lệnh trừng phạt không hiệu quả. Tôi thấy ngạc nhiên là chúng ta đã không thể thực hiện chúng một cách phù hợp".

Hungary là một trong một vài nước EU vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga bởi "điều đó tốt cho người dân Hungary", ông Orban nói.

"Tôi đang đấu tranh vì Hungary. Tôi không quan tâm đến Tổng thống Putin hay Nga. Tôi chỉ quan tâm đến Hungary".

Theo Thủ tướng Hungary, cuộc nổi dậy bất thành của công ty quân sự tư nhân Wagner ở Nga "không có nhiều ý nghĩa", bởi nó không ảnh hưởng đến "điều quan trọng nhất", đó là triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Ukraine nêu lý do tiến độ phản công chậm

Xe tăng Ukraine di chuyển trên con đường gần Bakhmut. Ảnh: AP
Xe tăng Ukraine di chuyển trên con đường gần Bakhmut. Ảnh: AP

Tờ Politico dẫn nguồn tin cho biết, các quan chức Ukraine cho rằng họ mong muốn chiến dịch phản công có thể tiến triển nhanh hơn, nhưng các yếu tố như hiệu quả của máy bay Nga, các bãi mìn và thời tiết xấu đã khiến lực lượng vũ trang nước này không đạt được tiến bộ đáng kể.

Ông Yuri Sak, Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tiến về phía trước ở các khu vực khác nhau của tiền tuyến. Trước đó, chúng tôi không thể đánh giá được mức độ vững chắc của hệ thống phòng thủ Nga. Chỉ khi thực hiện các cuộc thăm dò, chúng tôi mới có cái nhìn rõ ràng hơn. Thông tin thu được sẽ áp dụng cho giai đoạn tiếp theo của các hoạt động phản công”.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây dường như không hài lòng với tốc độ phản công của Ukraine và được cho là đang yêu cầu Kiev nhanh chóng đạt được những thành tựu đáng kể trên chiến trường.

Phương Tây cũng chỉ trích Lực lượng Vũ trang Ukraine vì “quá thận trọng”, khi cố gắng chờ đợi thời tiết hoàn hảo và các yếu tố khác phù hợp trước khi tấn công các vị trí của Nga.

Theo nguồn tin CNN, lực lượng phòng thủ Nga đã chứng minh năng lực hơn mong đợi. Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định Mỹ vẫn "lạc quan" rằng Ukraine sẽ xoay chuyển tình thế. Washington sẽ đánh giá lại cuộc tấn công vào tháng tới.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào ngày 4/6 với việc tấn công vào các vị trí của Nga gần Donetsk. Bộ này tuyên bố làn sóng phản công diễn ra dọc theo các khu vực tiền tuyến Donetsk và Zaporozhye.

Các cuộc phản công được cho là đã khiến quân đội Ukraine thiệt hại nặng nề. Người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cho biết, Ukraine đã mất hơn 13.000 quân và hơn 800 xe tăng và xe bọc thép trong khoảng thời gian từ ngày 4-21/6.

Politico lưu ý rằng, một số nhà phân tích cảnh báo, dù phương Tây đã đào tạo các chỉ huy Ukraine, nhưng có khả năng Kiev sẽ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chiến đấu của NATO và sẽ tiếp tục hoạt động tấn công với chiến lược tiêu hao mà không sử dụng hợp lý các hoạt động vũ trang kết hợp, chiến thuật cơ động và các cuộc tấn công chính xác tầm xa hơn.

Trong cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu EU hôm 26/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã nhắc lại yêu cầu của Kiev đối với nhiều hệ thống pháo và tên lửa hơn. Ông Kuleba cũng nhấn mạnh về việc đẩy nhanh đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu tiên tiến và kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trước đó, hôm 21/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói tiến triển trên chiến trường "chậm hơn mong muốn", nhưng vẫn khẳng định quân đội Ukraine cuối cùng sẽ đánh bật lực lượng Nga ra khỏi 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và  Zaporozhye.