Thiếu “nhạc trưởng”
Ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới".
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Tọa đàm. Tham dự có lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh cho biết, tiểu vùng Nam Trung bộ gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có diện tích khoảng 21.523,4 km2; dân số khoảng 3,95 triệu, mật độ dân số khoảng 186 người/km2.
“Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn. Tiểu vùng cũng có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm: 2 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc- Nam đi qua, gần TP Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển Đông” – ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tiểu vùng Nam Trung bộ có điều kiện phát triển các Khu Kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản…
Đây cũng là khu vực có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ; là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như: thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)…
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận định, đây là khu vực có môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ. Đây cũng là khu vực chưa thích ứng với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tình trạng mở rộng đô thị có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, tính cạnh tranh của các đô thị không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững. Các đô thị chưa được liên kết tốt với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất; huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị còn hạn chế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, đây là khu vực có liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “Nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Do đó, thông qua Tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh mời gọi các chuyên gia, tham dự viên đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt của vùng, cả vùng; đề xuất cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Cần tăng liên kết vùng
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng dù những địa phương trong Tiểu vùng đã lồng ghép nhiều định hướng liên kết phát triển trong quy hoạch, chương trình được ban hành nhưng mức độ liên kết chưa cao. Việc chạy theo lợi ích phát triển kinh tế giữa các địa phương đã làm cho liên kết vùng bị suy giảm.
Song song đó, các địa phương đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm, động lực phát triển, lấy kinh tế biển làm định hướng phát triển. Các địa phương trong tiểu vùng đều đẩy mạnh phát triển du lịch biển, phát triển cảng biển, phát triển các ngành công nghiệp ven biển… Điều này sẽ làm phá vỡ đi sự phân bố sản xuất kinh doanh để tạo ra chuỗi liên kết phát triển.
Theo đó, nhóm chuyên gia Viện Kinh tế Xã hội vùng Trung bộ do TS Phan Thị Sông Thương làm nhóm trưởng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng trong giai đoạn tới. Trong đó, trao thẩm quyền cho Ban Điều phối vùng trong việc phân bổ, theo dõi, đôn đốc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của vùng và địa phương. Củng cố và tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng vùng hay Ban Điều phối vùng với các địa phương trong Tiểu vùng.
Song song đó là tăng cường sự liên kết trong công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, vùng và quốc gia. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của tiểu vùng thông qua tăng cường liên kết thu thút đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc tạo liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển và cảng hàng không trên địa bàn Tiểu vùng rất quan trọng. Ngoài ra, các địa phương trong Tiểu vùng nên có sự phân công nhiệm vụ, liên kết đẩy mạnh hoạt động R&D (mỗi tỉnh nghiên cứu một hay vài lĩnh vực mà địa phương mình có thế mạnh) và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế - xã hội…
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới cần có định hướng đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, liên kết nguồn nhân sự cho tiểu vùng.
Cụ thể, nhóm chuyên gia Đại học Nha Trang cho rằng, các cơ sở đào tạo chủ lực, với sứ mệnh của mình cần nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo mới, đảm bảo hiện đại, hội nhập, đáp ứng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của mỗi địa phương và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt là các ngành kinh tế biển như: năng lượng tái tạo, du lịch biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, thủy sản…
Nhóm chuyên gia này cho rằng, trên tinh thần các cơ sở đào tạo cần thực hiện tốt phương châm đào tạo và liên kết đào tạo những gì mà mỗi địa phương và tiểu vùng Nam Trung Bộ cần chứ không đào tạo và liên kết đào tạo những gì mình có. Có như vậy mới đáp ứng được nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho mỗi địa phương và trên bình diện của tiểu vùng.
Riêng đối với các trường cao đẳng và trung cấp nghề cần hợp tác để xây dựng định hướng đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nghề theo định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và tiểu vùng. Các chương trình đào tạo cần đảm bảo hiện đại, hội nhập, đáp ứng được ngay yêu cầu sử dụng lao động trong các ngành/lĩnh vực về khoa học kỹ thuật biển, khoa học công nghệ về năng lượng tái tạo, công trình xây dựng biển, cảng biển và logistics….