Tháo “điểm nghẽn” lắp đặt camera trên ô tô kinh doanh vận tải bằng cách nào?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải vừa tái khẳng định sẽ kiên quyết xử phạt những xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sau ngày 31/12/2021.

Sau 31/12/2021, tất cả xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt (Ảnh: Phi Long).

Thông điệp cứng rắn

Từ nay cho đến thời hạn cuối cùng để các chủ phương tiện xe kinh doanh vận tải (KDVT) phải hoàn thành lắp đặt camera giám sát còn chưa đầy một tháng. Sau thời hạn này, tất cả phương tiện chưa hoàn thành nghĩa vụ trên đều sẽ bị xử phạt. Đây là thông điệp vừa được Bộ GTVT phát đi. Tuy nhiên, hiện vẫn có những ý kiến trái chiều bởi các DN kinh doanh vận tải đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Vấn đề quan trọng lúc này là tháo gỡ được những “điểm nghẽn” để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera của các chủ phương tiện bằng cách nào?

Để chuẩn bị cho việc xử phạt, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kiểm tra phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; Đồng thời giao Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định.

"Các sở GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ" – Bộ GTVT nhấn mạnh.

Riêng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với Vụ Vận tải kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp. Mục đích nhằm tăng tốc cho công tác lắp đặt camera giám sát trên các phương tiện kinh doanh vận tải, đảm bảo hoàn thành việc lắp đặt trước thời hạn cuối cùng là ngày 31/12/2021.

Cần phải thấy rằng, đây là lần thứ 4 Bộ GTVT ra văn bản đốc thúc các đơn vị trực thuộc và liên quan thực hiện nghiêm chỉnh nội dung trong Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, thời hạn cuối cùng để các phương tiện kinh doanh vận tải phải hoàn thành lắp đặt camera giám sát là bất di bất dịch. Đồng thời, tất cả phương tiện không thực hiện điều trên đều sẽ bị xử phạt nghiêm. Sẽ không có chuyện lùi thời hạn hay bất cứ trường hợp nào được đặc cách, ưu tiên nữa.

Tỉ lệ phương tiện đã lắp camera giám sát mới chiếm hơn 12% (Ảnh: Hòa Thắng).

Khó hoàn thành đúng thời hạn

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, thời gian hơn 20 ngày nữa có đủ để các chủ phương tiện hoàn thành nghĩa vụ khi mà lượng xe kinh doanh chưa lắp camera giám sát còn rất lớn. Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến giữa tháng 11/2021, cả nước mới có hơn 25.000 phương tiện kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát theo quy định.

Đây là con số vô cùng khiêm tốn nếu đem so sánh với tổng số phương tiện xe kinh doanh thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát là hơn 200.000 xe. Như vậy, lượng phương tiện đã lắp camera mới chỉ đạt tỉ lệ hơn 12%.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, Tổng cục đã có nhiều văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, TP đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10.

Tuy nhiên, từ giờ cho đến hết năm 2021 chỉ còn hơn 20 ngày, gần 175.000 phương tiện sẽ phải hoàn thành việc lắp đặt camera. Nhìn nhận một cách thực tế, đây là điều rất khó nếu như không muốn nói là không thể. Đương nhiên, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan rất rõ về thực tế này. Vậy mục tiêu khả dĩ và giải pháp phù hợp nhất lúc này là gì?

Cần có giải pháp phù hợp đối với những phương tiện chưa lắp camera sau 31/12/2021 (Ảnh: Lê Thanh).

Tiêu chuẩn được ban hành quá muộn

Một vấn đề nữa liên quan đến chủ trương lắp camera giám sát trên xe kinh doanh được nói đến nhiều trong thời gian qua là tiêu chuẩn về lắp đặt camera. Nhiều DN vận tải cho rằng, một trong những lý do họ chần chừ trong việc lắp camera giám sát trên xe là bởi băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị theo tiêu chuẩn nào để sau này được chấp nhận và không lãng phí.

Những băn khoăn này mới phần nào được tháo gỡ khi ngày 4/11/2021 vừa qua, Bộ KH&CN mới ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN13396 (TCVN) về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, lộ trình thay thế bằng công nghệ 4G.

Bên cạnh đó, thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng, kể cả ban đêm và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, sau khi có TCVN về camera giám sát hành trình các doanh nghiệp sẽ yên tâm lắp thiết bị theo đúng thời hạn trước ngày 31/12 tới theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo tìm hiểu của phónh viên, hiện nay, các nhà cung cấp thiết bị đã đến cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy hợp chuẩn. Trong đó, đã có sản phẩm của Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh được cấp chứng nhận TCVN. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hơn 20 ngày cuối năm 2021 là quá ngắn để các DN vận tải có thể thực hiện việc lắp đặt camera giám sát theo TCVN cho gần 175.000 phương tiện xe kinh doanh còn lại.

Tháo “điểm nghẽn” lắp đặt camera trên ô tô kinh doanh vận tải bằng cách nào? - Ảnh 4

của Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh mới được cấp chứng nhận TCVN (Ảnh: Phi Long).

Đâu là giải pháp?

Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội  cho biết, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt không lắp camera hành trình trên xe ô tô chở khách theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP đến sau ngày 31/12/2021.

Lý giải cho đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên cho rằng, hiện nay, hầu hết các DN vận tải đều đang trong tình trạng rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do đó, việc tiếp tục lùi thời hạn xử phạt lắp camera sẽ tạo tiền đề cho xe lăn bánh, nhằm phục vụ mở cửa trường học, phục vụ các khu công nghiệp đồng thời tạo đà mở cửa lại hoạt động lữ hành, du lịch trong và ngoài nước, nối lại hoạt động logistics để phục vụ xuất nhập khẩu, giúp cho các doanh nghiệp có nguồn thu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sau thời điểm 31/12/2021 chắc chắn sẽ vẫn còn rất nhiều phương tiện kinh doanh chưa hoàn thành lắp đặt camera. Do đó, cách xử lý đối với những trường hợp này cũng cần được nghiên cứu cho hợp tình hợp lý để vừa đảm bảo sự nghiêm minh, vừa tạo điều kiện cho các DN vận tải đang thực sự gặp khó khăn.

“Dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua chắc chắn hầu hết DN vận tải đều đang gặp khó khăn. Đây là khó khăn thật sự của nhiều DN vận tải chứ không phải họ mượn cớ dịch bệnh để trì hoãn việc lắp camera. Tuy nhiên, không phải cứ DN kêu khó là lại gia hạn mà cần có giải pháp hợp lý” – PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế này, cách xử lý đối với những phương tiện chưa hoàn thành lắp đặt camera kinh doanh sau này 31/12/2021 có thể điều chỉnh linh hoạt bằng phương pháp sàng lọc. Cụ thể là những phương tiện nào đang trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bắt buộc phải lắp camera; còn những phương tiện nào dù đăng ký xe kinh doanh nhưng vẫn đang phải “đắp chiếu” nên gia hạn thêm.

“Hiện nay, nhiều DN vận tải đã hoạt động trở lại nhưng họ không khai thác hết số phương tiện họ có bởi vắng khách. Nếu buộc họ phải lắp camera cho cả những phương tiện không hoạt động thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần