Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung, công tác quy hoạch luôn có vai trò quan trọng. Đó là định hướng, là công cụ quản lý, căn cứ giúp các cấp, ngành trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân...
Để phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, công tác quy hoạch của Việt Nam luôn có sự đổi mới, nhất là về hệ thống quy hoạch và được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, năm 2017 Luật Quy hoạch ra đời đã đánh dấu sự đổi mới về công tác quy hoạch.
Tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được đã bộc lộ nhiều tồn tại. Quốc hội đã tổ chức giám về thực hiện và đã ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 16/6/2022 để tháo gỡ vướng mắc và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Thế nhưng, riêng về quy hoạch tỉnh là loại hình quy hoạch đang chịu nhiều áp lực từ Luật Quy hoạch. Đây là yếu tố thách thức cần nhận diện tạo đột phá.
Để thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã đang tích cực triển khai trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch 2017 và luật có liên quan. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho hay, thực tiễn quy hoạch tỉnh đang được nhận định là quy hoạch tích hợp song nhận thức còn chưa đầy đủ, quy hoạch tích hợp hay tích hợp quy hoạch. Do vậy, khó khăn trong xác định phương pháp lập quy hoạch, lựa chọn tổ chức tư vấn, lựa chọn nhân lực thực hiện để thích ứng với yêu cầu mới. Trong đó, việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch cũng đang là một trong những vấn đề gặp nhiều vướng mắc.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy chia sẻ, tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 Quốc hội đã cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Như vậy điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được tiến hành triển khai song song với việc nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch).
"Việc lập đồng thời rất nhiều quy hoạch có nội dung đa ngành trong cùng một bản quy hoạch theo phương pháp mới và cùng một thời điểm với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng gây khó khăn cho công tác tuyển chọn tư vấn và thẩm định, trong khi số lượng, chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia xây dựng quy hoạch và hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch… nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ lập quy hoạch" - ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.
Chính vì những khó khăn, vướng mắc nên tính đến đầu tháng 11/2022 mới chỉ có Quy hoạch tỉnh Bắc Giang và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
Tại Nghị định 37/2019/QĐ-CP đã có quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm và năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn hợp phần quy hoạch. Trong Luật Quy hoạch (điều 17) đã xác định "cơ quan lập quy hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương được phân công phải lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, khó khăn hiện nay và cũng là điểm nghẽn trong thực tế là lựa chọn tổ chức tư vấn. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, để giải quyết rất cần có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn và cần cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Với quy định rõ trách nhiệm, năng lực đổi mới trong lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch là rất cần. Song để có hiệu quả cũng cần Quốc hội chú trọng trong chương trình giám sát về chuyên đề quy hoạch (bổ sung khoản 2, điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội).
Hiện các địa phương đang tích cực vào cuộc lập quy hoạch tỉnh, tuy nhiên lại phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn trong khi các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trên cả nước không có nhiều. Có đại biểu quốc hội thông tin hiện có đơn vị tư vấn đang lập 22 đồ án quy hoạch tỉnh.
Trong khi mỗi địa phương đều có điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa đặc trưng nếu cùng một vị tư vấn lập quy hoạch cho cả tỉnh miền núi, cho tỉnh ở miền biển, tây nguyên… thì chắc chắn sẽ không sâu, đồ án không chất lượng. Trước thực thế này, nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh mới lập xong rất cần mang ra phân tích, xem xét tốt và chưa tốt chỗ nào, từ đó bộ chủ quản là Bộ KH&ĐT cần có khuyến nghị đưa ra đối với các địa phương.