Thi công khoảng 273/351 km
Ngày 11/8, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì chương trình làm việc báo cáo tình hình triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài khoảng 721,2 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (259 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (351,2 km) và Cần Thơ - Cà Mau (111 km) với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công
Toàn dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm 25 gói thầu xây lắp. Trong đó, đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần (có 12 gói thầu xây lắp), tổng chiều dài 351,2 km với tổng mức đầu tư 70.255 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết, tính đến nay đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đạt khoảng 2.857,4 tỷ đồng, tương đương 5,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2,3% so với kế hoạch. Theo đó, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công.
Cụ thể, các đơn vị thi công đã huy động 2.742 máy móc thiết bị các loại, 6.271 nhân sự thi công, 152 nhân sự tư vấn giám sát và tổ chức 210 mũi thi công (96 mũi cầu, 114 mũi đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến).
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã bàn giao đạt 310/351,2km đạt 89% (tăng 2,4% so với tháng trước). Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, các đơn vị thi công chỉ tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 273,28/351,2km đạt 80% (tăng 2,4% so với tháng trước). Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Hiện các địa phương đang tổ chức xây dựng 81 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho 3.713 hộ. Đến nay, đã hoàn thành 47 khu, đang lập dự án và thi công 34 khu.
Đặc biệt, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đối với đường dây 220-500kV đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận, thẩm định hồ sơ thiết kế 93/104 vị trí, đang tiến hành thi công 52/93 vị trí. Riêng đường dây 110kV và trung hạ áp đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 883/909 vị trí, hoàn thành di dời 150 vị trí, đang tiến hành thi công 106 vị trí, các vị trí còn lại đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công.
Tháo gỡ khó khăn
Liên quan đến việc triển khai cao tốc, theo các chủ đầu tư dự án đang gặp khó về nguồn vật liệu và công tác GPMB. Cụ thể, tổng nhu cầu cần khoảng 10,42 triệu m3 đá lấy từ các mỏ đang khai thác.
Hiện công suất khai thác của các mỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Tuy nhiên, đến giai đoạn thi công hạng mục móng, mặt đường, nhu cầu sử dụng vật liệu đá rất lớn và tập trung trong thời gian ngắn nên cần nâng công suất các mỏ để đáp ứng tiến độ thi công.
Riêng vật liệu cát, tổng nhu cầu cần khoảng 5,75 triệu m3. Trong đó, khoảng 1,95 triệu m3 được sử dụng từ 44 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 4,89 triệu m3.
Tổng nhu cầu đất cần khoảng 32,68 triệu m3, trong đó 2,44 triệu m3 được sử dụng từ 10 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2,37 triệu m3 cơ bản đáp ứng. Còn lại 30,24 triệu m3 được sử dụng từ 54 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng 44,73 triệu m3.
Đến nay, các nhà thầu mới khai thác được đất từ 13/26 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 11,85 triệu m3, chỉ đáp ứng khoảng 34% nhu cầu. Các mỏ còn lại chưa khai thác được do khó khăn trong việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, một số mỏ địa phương phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và mục đích sử dụng rừng; thỏa thuận với các hộ dân đường vào mỏ.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ 6 và Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 07/8/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, các đia phương giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời, phối hợp với EVN, Bộ Công Thương hoàn thành thỏa thuận di dời đường điện cao thế; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III năm 2023.
Nghiêm túc thực hiện các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo đúng các hướng dẫn của Bộ TN&MT; thành lập các tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, “ép giá”, đầu cơ đất khu vực mỏ...
Liên quan đến các vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… và các nhà thầu, đơn vị thi công đã nổ lực triển khai dự án.
Theo Phó Thủ tướng, còn hai vấn đề khó khăn là chuyển đổi đất lúa 2 vụ và đất rừng, những vấn đề này, diện tích tuy không lớn nhưng lại vướng một số quy định. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT và các địa phương rà soát báo cáo lại để Bộ TN&MT tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Liên quan đến các hạ tầng kỹ thuật điện đề nghị UBND tỉnh mời các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Công thương chỉ đạo EVN để di dời các hạ tầng việc này phải xử lý gấp kịp thời để bàn giao mặt bằng thi công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, vấn đề thiết kế đường cao tốc phải theo một tiêu chuẩn kỹ thuật, các nhà thầu, các cơ quan tư vấn, giám sát chịu trách nhiệm giám sát về thiết kế.
“Thời gian qua đã có những hạn chế cho thấy thiết kế không được tiến hành một cách bài bản, khoa học; chưa chú ý đến việc thu thập đánh giá các số liệu nên đang làm đã xả ra sự cố, sự cố trong quá trình xây dựng, và sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng.
Vì vậy, dù chúng ta bỏ đi những thủ tục rườm rà, nhiêu khê nhưng yêu cầu kỹ thuật, an toàn thi công, khai thác, môi trường thì không được lơ là. Việc này cơ quan thiết kế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố và các nhà thầu thi công không đủ điều kiện, năng lực thì kiên quyết không để tham gia dự án, để đảm bảo an toàn” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc thi công cũng phải đảm bảo đến yếu tố môi trường. Đặc biệt việc khai thác đất đá, vật liệu, lựa chọn các khu vực đã tính toán kỹ lưỡng, tránh việc hy sinh vấn đề cảnh quan môi trường, địa chất, thủy văn, khí hậu...
“Tinh thần của chúng ta là phải hết sức quyết liệt và phải đẩy nhanh tiến độ nhưng đi đối với đó là đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn về lao động, môi trường. Về vật liệu xây dựng có địa phương thì thiếu có địa phương thì thừa các địa phương cùng chung tay để giải quyết vấn đề vật liệu cao tốc” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị vấn đề vật liệu cát sông, cát hồ thì vấn đề này Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn vì về lâu dài lấy cát sông sẽ nguy hiểm lấy bao nhiêu thì sẽ sạt lở bấy nhiêu. Do đó, cần phải tính toán thật kỹ vấn đề này.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, về bố trí tái định cư cho người dân thì phải đảm bảo tiến độ phảo làm sao để người dân phải cảm thấy được quan tâm, được hưởng thụ, đặt vị trí của mình vào vị trí người dân