Qua tìm hiểu thông tin tại địa phương, việc người dân chưa được cấp GCNQSDĐ đã được làm sáng tỏ.
Đất giao trái thẩm quyền
Năm 1988, UBND xã Đặng Xá có lập hồ sơ xin cấp đất giãn dân cho các hộ dân trong xã. Xét thấy nhu cầu của người dân địa phương là có thật, ngày 24/8/1990, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4015/QĐ-UB về việc cho phép UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm được sử dụng 9.720m² đất để cấp cho 72 hộ dân làm nhà ở tại các khu vực: đồng Kim Âu (ven đường 5) diện tích 5.320m² đất hai vụ lúa; đồng Nhân Lễ (ven đường 179) diện tích 4.400m² đất ao sen.
Sau khi có quyết định của UBND TP, năm 1991, UBND xã Đặng Xá tổ chức san lấp khu ruộng trũng ao sen ở đồng Nhân Lễ (ven đường 179) để giao đất và thu tiền của các hộ. Tuy nhiên, khi san lấp, thay vì chỉ thực hiện lấy 4.400m² theo phê duyệt của TP, UBND xã Đặng Xá đã tự tổ chức san lấp thêm 2 khu đất ao sen liền kề ven đường 179 với diện tích 4.200m² và 3.720m² không có trong quyết định được TP phê duyệt.
Sau đó, diện tích 4.400m² theo phê duyệt của TP đã được UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định giao đất cho 37 hộ dân làm nhà ở; còn lại diện tích đã san lấp nằm ngoài quyết định phê duyệt của TP, UBND xã đã tự thu tiền và giao đất trái thẩm quyền diện tích 4.200m² cho 30 hộ từ năm 1992 - 1993.
Theo lãnh đạo UBND xã Đặng Xá, những trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ là những trường hợp nằm trong diện tích 4.400m² đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 1990 và đã được UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định giao đất xây dựng nhà ở. Đây là những trường hợp được giao đất đúng thẩm quyền, không bị vướng vào quy hoạch hành lang kho xăng.
Còn những trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ là những trường hợp nằm trong diện tích 4.200m² đất ao sen, do UBND xã Đặng Xá thời đó tự san lấp và thu tiền, giao đất trái thẩm quyền, không có trong quyết định phê duyệt của UBND TP.
Tích cực tháo gỡ
Sau khi UBND xã giao đất trái thẩm quyền cho các hộ sử dụng đã phát sinh đơn thư khiếu kiện của công dân xã Đặng Xá. Năm 1996, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại xã Đặng Xá và ban hành Kết luận thanh tra số 40/KL-TT ngày 10/7/1996, trong đó có kiến nghị đưa diện tích 3.720m² đất vào canh tác. Đối với diện tích 4.200m² đất được giao trái thẩm quyền cho 30 hộ, lập tờ trình UBND TP Hà Nội xin cấp đất giãn dân để giao cho 30 hộ. Nếu UBND TP Hà Nội không đồng ý cho xã được giãn dân thì UBND xã Đặng Xá tổ chức trả lại tiền cho các hộ.
Thực hiện kết luận thanh tra, UBND xã Đặng Xá đã có các văn bản kiến nghị UBND TP nhưng không được Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội chấp thuận, do diện tích 4.200m² nằm trong quy hoạch hành lang kho xăng, không phù hợp để giao đất làm nhà ở. Việc trả lại tiền cho các hộ theo kết luận thanh tra không thực hiện được do UBND xã đã sử dụng hết số tiền thu của các hộ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng: trường học, trạm y tế, làm đường…
Để tháo gỡ khó khăn cho UBND xã Đặng Xá và các hộ dân, năm 2001, UBND huyện Gia Lâm đã giao cho phòng Địa chính - Nhà đất, nay là phòng Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn UBND xã làm thủ tục cấp đất giãn dân chuyển sang khu vực khác, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. UBND xã Đặng Xá cũng đã giới thiệu vị trí để di chuyển 33 hộ được cấp đất trái thẩm quyền không phù hợp quy hoạch về vị trí mới tại các thôn: Đổng Xuyên, Nhân Lễ, Kim Âu, Cự Đà. Tuy nhiên sau đó, việc di chuyển vị trí đối với các hộ này chưa thực hiện được.
Do công dân làm đơn tố cáo gửi UBND TP nên Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc. Ngày 12/6/2002, Thanh tra TP đã ban hành Kết luận thanh tra số 443/KL-TPHN-VX, trong đó nêu rõ: Đoàn thanh tra liên ngành thấy phương án giải quyết của UBND huyện đối với 33 hộ dân ở ven đường 179 nêu tại Kết luận 437/KLUB ngày 13/8/2001 là hợp lý. Đối với việc UBND xã giao đất trái thẩm quyền cho 33 hộ dân bằng 35 suất đất, hiện hầu hết đã xây dựng nhà trên đất được cấp nhưng về mặt quy hoạch, Kiến trúc sư trưởng TP không nhất trí vì gần kho xăng, không bảo đảm an toàn. Để giải quyết khó khăn nói trên, Thanh tra TP nhận thấy UBND huyện cần có tờ trình UBND TP cho phép được giải quyết theo mục 2, Điều 10 tại Quyết định số 04/2002/QĐ-UB ngày 15/01/2002 của UBND TP về việc xử lý thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP.
Từ đó, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị: “Đối với 33 hộ ven đường 179 với diện tích 4.200m2 xã cấp trái thẩm quyền gần kho xăng nên Kiến trúc sư trưởng không thỏa thuận cho tồn tại, phải di chuyển. Vì vậy, cần được tháo gỡ cho thực hiện theo điểm 2, Điều 10 tại Quyết định số 04/2002/QĐ-UB ngày 15/01/2002 của UBND TP về việc xử lý thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP”.
Từ khi Thanh tra TP Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra số 443/KL-TTHN-VX đến nay, chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền đối với 33 hộ trên. Theo bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 47/2009/QĐ-UBND ngày 20/01/2009, toàn bộ diện tích thửa đất trên được quy hoạch là đất đường giao thông, đất cây xanh cách ly sinh thái và đất công nghiệp kho tàng (kho xăng dầu Phú Thị). Do vậy, các thửa đất của 33 hộ không đủ điều kiện cấp giấy GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.
Đề xuất điều chỉnh quy hoạch
30 năm mua đất ở nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, 33 hộ dân ở thôn Nhân Lễ, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm vô cùng lo lắng, trăn trở. Trao đổi với phóng viên, các hộ dân đều bày tỏ mong muốn được cấp GCNQSDĐ để gia đình có thể xây dựng nhà ở kiên cố cho con cháu ở, bảo đảm quyền lợi lâu dài.
Trên thực tế, những năm qua, UBND huyện Gia Lâm và xã Đặng Xá vẫn thường xuyên quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các hộ dân. Mặc dù chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa chỗ ở, các hộ dân vẫn được UBND xã Đặng Xá và huyện Gia Lâm tạo điều kiện cải tạo, sửa chữa.
Hàng năm, UBND huyện Gia Lâm đều có văn bản yêu cầu UBND xã Đặng Xá rà soát những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và đưa ra đề xuất, kiến nghị trình UBND TP. Theo đó, tại các văn bản báo cáo, UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm đã đề nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch khu đất trên sang đất ở. Mới đây nhất, tại thời điểm triển khai lấy ý kiến góp ý vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm cũng đã đề nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch khu đất trên thành đất ở. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bản vẽ quy hoạch mới nào được phê duyệt thay thế quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2009 của UBND TP Hà Nội.
Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, trong thời gian tới, huyện và xã sẽ tiếp tục đề nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương.