Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng vừa diễn ra, nhiều đại biểu chất vấn về những bất cập trong đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Đại biểu Lê Vinh Quang nêu thực trạng, có nhiều DN muốn thuê đất tại các KCN, cụm công nghiệp Đà Nẵng để sản xuất kinh doanh nhưng do phải chờ đợi quá lâu, họ đành vào Quảng Nam hoặc đến các tỉnh khác thuê đất.
“Hiện Đà Nẵng mới khởi động công tác chuẩn bị đầu tư KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn. Sở Công Thương cho biết khi nào các khu, cụm công nghiệp này hình thành để có đất bố trí cho DN thuê?”, ông Quang chất vấn.
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung nêu vấn đề: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp Đà Nẵng chưa đạt được so với mục tiêu đặt ra là từ 10,5 đến 11,5% (chỉ đạt khoảng 8,5%). Đáng bàn là một số dự án về công nghiệp TP thu hút đều là những dự án nhỏ, quy mô không lớn. Qua đó, bà Nhung đặt câu hỏi: “Sở Công Thương sẽ làm gì để thu hút được các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường đến với Đà Nẵng?”.
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Phan Văn Kha cho biết, Sở đã phối hợp với các sở, ngành rà soát lại quy hoạch công nghiệp trên địa bàn, tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho các DN muốn đầu tư vào Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp Đà Nẵng không như kỳ vọng. “Nguyên nhân là do TP có sự thay đổi về mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp khi chọn ưu tiên cho công nghệ cao, ổn định, công nghệ sạch. Sự chuyển dịch cơ cấu này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp”, ông Kha nhận định.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, Đà Nẵng dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư xây dựng một số khu, cụm công nghiệp và bước đầu giải quyết được một phần nhu cầu của DN. Đơn cử như KCN công nghệ cao đến nay đã thu hút được 15 dự án, dù con số này chưa đạt như kỳ vọng.
“KCN công nghệ cao còn 300 hecta đất sạch, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư. Khu Công nghệ thông tin tập trung đã cơ bản giải phóng được mặt bằng giao đoạn 1 với hơn 130 hecta. KCN Liên Chiểu hiện còn 85 hecta đang mời gọi các nhà đầu tư”, ông Kha thông tin.
Về Cụm công nghiệp, ông Phan Văn Kha cho biết, Đà Nẵng đã quyết định đầu tư cho Cụm công nghiệp Cẩm Lệ với quy mô 30 hecta, vốn ban đầu gần 250 tỷ đồng, giao UBND quận Cẩm lệ tiến hành giải tỏa đền bù để triển khai các bước xây dựng. Cố gắng cuối năm 2019, DN có nhu cầu có thể vào đây đầu tư. Cụm công nghiệp Hòa Nhơn cũng đã thống nhất triển khai từ nay đến năm 2020 hoàn thành giải tỏa đền bù để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Kha nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải ngăn ngừa những biểu hiện nhũng nhiễu, cản trở, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận mặt bằng. Bên cạnh đó, khi kêu gọi các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, vấn đề quan trọng nhất là giá đất. “Khi nhà đầu tư hỏi đến giá đất thì rất khó. Vì vậy, chúng ta cần khuyến khích đầu tư tại chỗ”, ông Kha bày tỏ.
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, hiện Đà Nẵng đang làm quy hoạch lại nên Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành cần tham mưu làm sao để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của TP. “Phải làm sao khai thác tối đa tiềm lực của mình. Đà Nẵng không có đất nhiều đâu mà lãng phí”, ông Trung nhấn mạnh.