Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo, hoạt động nghệ thuật

Minh An - Thái Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2024 mới đây, lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội đã giải đáp thắc mắc của các DN liên quan đến hoạt động quảng cáo, nghệ thuật.

Đề xuất cho phép tiếp tục quảng cáo màn hình LED

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra sôi động với nhiều loại hình khác nhau. Tại hội nghị đối thoại, nhiều DN đã bày tỏ sự quan tâm đến Quyết định 1997/QĐ-UBND, ngày 24/4/2018 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Quảng cáo màn hình LED tại Hà Nội.
Quảng cáo màn hình LED tại Hà Nội.

Đặt vấn đề quảng cáo là một trong lĩnh vực, ngành nghề được TP Hà Nội ưu tiên phát triển theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, đại diện Công ty CP Tập đoàn Đông Quang mong muốn TP sẽ có những ưu đãi đối với ngành quảng cáo.

Cùng với đó, ông Nguyễn Đức Bình - đại diện Công ty CP Xây dựng và Quảng cáo Hà Việt chia sẻ, nhiều hoạt động quảng cáo ngoài trời thời gian qua phải tạm dừng sau khi có Quyết định số 1997/QĐ-UBND TP. Do vậy, Sở VH&TT Hà Nội không thể cấp phép quảng cáo tạm thời.

Trả lời các nội dung trên, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, bên cạnh 12 lĩnh vực được ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hoá, trong Luật Thủ đô có thêm 1 lĩnh vực nữa là văn hóa ẩm thực được ưu đãi về quảng cáo. Tới đây, Sở VH&TT sẽ báo cáo UBND, trình HĐND để áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Về việc quảng cáo ngoài trời phải tạm dừng, ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ: “Chúng tôi cùng với các DN, cơ quan quản lý đã báo cáo UBND TP sửa đổi Quyết định 1997/QĐ-UBND phù hợp với Luật Thủ đô, 2 quy hoạch điều chỉnh cho phép tạm thời được tiếp tục quảng cáo với điều kiện các DN không vi phạm, đồng thời vị trí quảng cáo đúng quy hoạch được duyệt”.

Cũng liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, một số DN băn khoăn, hiện nay các màn hình LED trong khu vực nội đô TP đã hết thời gian thực hiện thí điểm. DN mong muốn TP cho loại hình quảng cáo này được tiếp tục thực hiện lâu dài. Bởi qua thời gian triển khai, màn hình LED có hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và mỹ quan đô thị.

Trả lời đại diện DN, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho hay đã và đang làm việc với Bộ VHTT&DL và Tổ soạn thảo sửa đổi Luật Quảng cáo. Ở TP Hà Nội, Sở VH&TT đã tham mưu cùng với các sở, ngành có hướng dẫn tạm thời. "Thời gian qua, phục vụ cho các hoạt động vào ngày lễ, sự kiện chính trị, màn hình LED đã phát huy tốt, trong đó có cả lĩnh vực quảng cáo. Chúng tôi mong TP tiếp tục cho phép để DN thực hiện việc này” - lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cho hay.

Mở đường cho văn hóa, nghệ thuật phát triển

Tại hội nghị đối thoại, nhiều DN đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Cụ thể, liên quan đến việc tổ chức biểu diễn, Công ty TNHH Giàn nhạc giao hưởng Mặt Trời mong muốn được hướng dẫn về những trường hợp chỉ cần thực hiện thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Công ty Thể thao quốc tế Thế giới mới đề nghị cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ với giáo viên nước ngoài đang dạy bộ môn vũ đạo thể thao (Rumba); ông Vũ Anh Tuấn – giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đề nghị có chế tài xử lý tình trạng tranh giả, sao chép tranh, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại hội nghị.

Lần lượt trả lời những thắc mắc, kiến nghị của DN, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn nêu rõ, có 3 trường hợp chỉ cần thực hiện thông báo tổ chức gồm: tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện của quốc gia, TP; tổ chức nghệ thuật phục vụ nội bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức; hoạt động nghệ thuật phục vụ cho cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí nhưng không bán vé.

Về lĩnh vực thể thao, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cho hay, với bộ môn Rumba, Sở VH&TT đã trao đổi trực tiếp lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao (Bộ VHTT&DL), tổ chức lớp tập huấn để cấp chứng chỉ cho các đơn vị tổ chức hoạt động này… "Chúng tôi đã gợi ý, chứng chỉ ở Việt Nam cần phù hợp với tầm vóc, thể lực, văn hoá người Việt Nam” - lãnh đạo Sở VH&TT cho biết.

Về tình trạng sao chép tranh vi phạm sử hữu trí tuệ, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho hay, vi phạm bản quyền, sao chép tranh trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang diễn ra. Bộ VHTT&DL, Cục Bản quyền tác giả đã nắm được thực trạng này và đang trong quá trình xây dựng, bổ sung thêm các quy định.

"Hiện nay, chúng ta phải chấp hành theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và đề nghị biện pháp khắc phục, thậm chí tháo gỡ, hủy tranh vi phạm. Nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tăng hơn nữa sẽ tiếp tục áp dụng Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về xâm phạm bản quyền tác giả có liên quan để xử lý hành vi vi phạm” - lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội thông tin.