Năm 2013 được dự báo sẽ là năm ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn do suy thoái chung toàn cầu, khiến nhu cầu thép thế giới tiếp tục ở mức thấp. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, việc giải tỏa tình hình "đóng băng" bất động sản chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, những giải pháp gỡ khó cho sản xuất trong nước chưa có tác dụng ngay tức thì, nên những khó khăn cho sản xuất thép là điều không thể tránh khỏi. Đáng chú ý, từ tháng 1/2013, mặt hàng thép cuộn cán nguội xuất khẩu sang Indonesia chính thức bị áp thuế chống bán phá giá từ 13,5 - 36,6%. Trong thời điểm ngành thép còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc áp thuế chống bán phá giá sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trước nguy cơ mất thị trường, đi kèm với đó là rào cản trong việc cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, lượng thép sản xuất trong năm 2013 chỉ tăng khoảng 2% so với năm ngoái, đạt 9,33 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lãnh đạo Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đầu tư tăng năng lực sản xuất phôi thép để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư mở rộng sản xuất như: Mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 công suất 500.000 tấn/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai 500.000 tấn/năm…, củng cố, phát triển hệ thống phân phối của ngành. Ngoài ra, các địa phương cần kiểm soát chặt việc cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho các dự án thép; rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không đủ điều kiện triển khai, đồng thời tăng cường quản lý quy hoạch ngành thép, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư ngoài quy hoạch như thời gian vừa qua.
Thống kê của ngành thép cho thấy, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép từ đầu năm đến nay không có nhiều biến động. Giá thép bình quân tương đương so với hồi tháng 12/2012, trong đó, giá thép cây và thép tròn cuộn (chưa có VAT) vào khoảng 13 - 14 triệu đồng/tấn.