Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam cho biết, thời gian qua, TP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư. Điều này đã khẳng định thông qua kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, được xếp hạng thứ 9, đạt 55,40 (tăng 4 bậc so với vị trí thứ 13 năm 2017).
Đây là năm đầu tiên Hà Nội lọt vào Top 10 tỉnh, thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và thông thoáng môi trường kinh doanh. Để nâng cao điểm số PCI năm 2019 và trong những năm tới, Sở tiếp tục lắng nghe DN và có những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh của TP. Đây cũng là mục đích của việc tổ chức hội thảo, những ý kiến của DN sẽ được sở ghi nhận và tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Lê Văn Quân thông tin, lũy kế hết tháng 8/2019, Hà Nội có trên 272.000 DN, tỷ lệ DNNVV chiếm 97% tổng số DN Hà Nội, đóng góp GDP 40%, tạo công ăn việc làm 50% lao động, tăng 9% so với cùng kỳ 2018 và tăng 40% lượng DN trước Nghị Quyết 35/NQ-CP.
Cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đáp ứng 1.000 hồ sơ ĐKKD/ngày (bình quân 1 cán bộ ĐKKD xử lý 25 - 30 hồ sơ/ ngày; Vốn đăng kí trung bình (2016 – 2018): 7 tỷ đồng/DN; Số lượng sản phẩm của khu vực DNNVV tạo ra chiếm khoảng trên 30% tổng sản phẩm; Số việc làm tạo ra của DNNVV chiếm trên 60% tổng số việc làm; Vốn đầu tư của DNNVV chiếm 25% tổng số vốn đầu tư của toàn DN.
Để có kết quả đó, Sở đã ứng dụng CNTT trong các thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký DN với việc triển khai mô hình Cơ quan ĐKKD thân thiện. “Năm 2018, TP Hà Nội hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký DN qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký DN đều được nộp qua mạng điện tử” – ông Lê Văn Quân nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh chia sẻ: Thời gian tới, TP cần tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ cho DN. Ảnh: Khắc Kiên |
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh cho rằng, thời gian tới, TP cần tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ cho DN, phối hợp thêm với một số ngân hàng thương mại khác để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cấp trước số tài khoản ngân hàng cho DN, xây dựng mô hình kết nối giữa Cơ quan Đăng ký kinh doanh với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quá trình khởi sự DN, giúp DN hoàn thiện việc gia nhập thị trường nhanh nhất. Thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền tới người dân và DN về các nội dung cải cách trong đăng ký doanh nghiệp của TP, về đăng ký DN qua mạng điện tử, biết đến và sử dụng các dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN trên địa bàn…
Tại buổi tọa đàm các DN cũng đưa ra nhiều kiến nghị, trong đo nổi bật là việc Hộ kinh doanh lên DN còn “vướng” nhiều thứ. Đơn cử các hộ kinh doanh này đang bị “vướng” về kiến thức quản trị kinh doanh cũng như thiếu thị trường và hàng loạt các kiến thức cơ bản khác như marketing, thuế cũng như pháp luật liên quan, bởi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh hoàn toàn khác với mô hình DN.Mặt khác, khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, nếu chuyển đổi thành DN, nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng…
Hay hiện nay các DN thành lập mới vẫn phải chi 100.000 đồng để để đưa thông tin DN lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Số tiền này tuy rất nhỏ nhưng nên bỏ đi vì khi thực hiện vướng thủ tục ngân hàng, cũng như không phù hợp với chủ trương khuyến khích thành lập và chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam với lãnh đạo Viettel Hà Nội ký kết để hỗ trợ cho DN. Ảnh: Khắc Kiên |
Cũng tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở KH&ĐT đã ký biên bản hợp tác với Vietcombank, Viettel về hỗ trợ DN trên địa bàn TP. Trao giấy chứng nhận đăng ký DN và tiếp nhận các dịch vụ tiện ích miễn phí của Misa, FSI cho DN thành lập mới.