Nhiều công trình “khủng” vi phạm
Ngày 26/1, trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho biết, hiện Lâm Đông đang thiếu nhân sự nên việc xử lý các vụ việc trên địa bàn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để địa phương và doanh nghiệp cùng phát triển.
Được biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ vi phạm về trật tư xây dựng tại các công trình lớn gây xôn xao dư luận. Bởi đây là những công trình có quy mô rất lớn về diện tích và quy mô đầu tư được xây dựng ngay giữa lòng TP Đà Lạt, nhưng lại không có giấy phép.
Cụ thể như dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel - chủ đầu tư dự án là Công ty CP Khải Vy. Đây là khách sạn 5 sao đầu tiên của Lâm Đồng nhưng trong quá trình xây dựng đã xây trái phép, sai phép gần 4.500m2, bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xử phạt 110 triệu đồng vì thi công không đúng giấy phép xây dựng.
Hay như Công ty CP Quốc tế Năm Sao Đà Lạt (Công ty Năm Sao Đà Lạt) bị phạt 130 triệu đồng vì xây biệt thự không phép. Công ty CP Quốc tế Năm Sao Đà Lạt xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và thiết kế được duyệt tại dự án khu biệt thự Đà Lạt Five Star Happy Valley (số 7 đường Nguyễn Du, phường 9, TP Đà Lạt), quy mô dự án 26 biệt thự nghỉ dưỡng với diện tích lên đến hơn 23.000 m2.
Tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc Sân Golf Đà Lạt của Công ty CP Hoàng Gia ĐL triển khai trên khu đất 624.038m2 tại Đồi Cù, ngay ven Hồ Xuân Hương giữa trung tâm TP Đà lạt.
Dự án có tổng diện tích xây dựng 15.670 m2 gồm khối tiếp đón, khối dịch vụ golf 1, 2 rộng 6.120 m2, bãi đậu xe 3.900 m2, giao thông nội bộ, sân bãi 4.850 m2, bãi xe buggy 650 m2, bãi xe khách VIP 150 m2.
Ngày 4/1/2024, chính quyền Lâm Đồng đã ban hành hai quyết định xử phạt Công ty CP Hoàng Gia ĐL số tiền 240 triệu đồng vì xây dựng công trình không phép, sai phép đối với dự án nói trên.
Gỡ khó để phát triển kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, sau các quyết định xử phạt và xử lý công trình vi phạm tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel, ngày 3/11/2023, ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Văn bản số 9705/UBND giao các sở, ngành phối hợp với UBND TP Đà Lạt xác định nghĩa vụ tài chính Công ty CP Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tai dự án khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel.
Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt thường xuyên giám sát về việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel. Đảm bảo hoàn thành, nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động theo tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Còn với dự án 26 biệt thự của Công ty Năm Sao Đà Lạt, sau khi ban hành quyết định xử phạt nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở TN&MT về việc sử dụng đất của Công ty Năm Sao Đà Lạt.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, UBND TP Đà Lạt và Công ty Năm Sao Đà Lạt kiểm tra toàn bộ hồ sơ pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến việc thuê nhà, đất tại đường Nguyễn Du, Phường 9, TP Đà Lạt của Công ty Năm Sao Đà Lạt.
Sau khi kiểm tra, ngày 8/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định cho phép Công ty Năm Sao Đà Lạt được gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục triển khai đầu tư dự án khu biệt thự Đà Lạt Five Star Happy Valley. Diện tích được gia hạn hơn 23.033m2 thuộc các thửa đất số 175. 176, 579, 187, 188, 235, 240, 241, 243, 79, 81, tờ bản đồ số 22, 26, phường 9, TP Đà Lạt.
Đối với Tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc Sân Golf Đà Lạt của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng tỉnh này đã có Văn bản Số 136/SXD-QHKT ngày 19/1/2024. Theo văn bản nói trên, Sở Xây dựng đã nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf… Qua rà soát, hồ sơ cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Tuy nhiên, ngày 11/1/2024, UBND tỉnh có văn bản 334/UBND-XD về việc khẩn trương xử lý các sai phạm tại công trình xây dựng của dự án Tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc Sân Golf Đà Lạt… Vì vậy, Sở Xây dựng chưa có cơ sở để giải quyết hồ sơ cấp phép theo thẩm quyền.
Cũng theo Sở Xây dựng, dự án Tòa nhà Câu lạc bộ Golf được xây dựng phù hợp với quy hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng cả về vị trí và chiều cao. Tuy nhiên, Sở chỉ cấp phép xây dựng cho tầng hầm của một khối dịch vụ 1, chưa tổ chức cấp phép xây dựng cho toàn bộ công trình do vướng một phần diện tích chủ đầu tư chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất thương mại dịch vụ.
Trước đó, theo kết luận của ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về đề xuất điều chỉnh quy hoạch và dự án khu vực Sân Golf Đà Lạt ban hành ngày 22/2/2023 (văn bản số 63/TB-UBND ngày 22/2/2023), về đề xuất điều chỉnh quy hoạch gắn với điều chỉnh, bổ sung dự án khu vui chơi giải trí Sân golf Đà Lạt và 2 khu hầm phức hợp bãi đậu xe và thương mại, giải trí về cơ bản, UBND tỉnh ủng hộ ý tưởng đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại khu vực sân golf Đà Lạt, bổ sung một số hạng mục, công trình ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng bãi đậu xe ngầm, góp phần chống ùn tắc giao thông và gắn với các dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ du lịch cao cấp tại TP Đà Lạt.
Tuy nhiên, UBND tỉnh đề nghị Công ty CP Hoàng Gia ĐL tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện ý tưởng điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Trong đó lưu ý, việc điều chỉnh không làm thay đổi tính chất và địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực sân golf Đà Lạt hiện tại; giữ gìn, bảo vệ cảnh quan danh thắng hồ Xuân Hương và cảnh quan chung khu vực. Hạn chế thấp nhất việc bố trí các công trình kiên cố, lộ thiên trên mặt đất. Tận dụng không gian ngầm là chính.
Trường hợp quy hoạch công viên chuyên đề cần nghiên cứu theo hướng quy hoạch, đầu tư công viên hoa, cây xanh. Việc quy hoạch các công trình ngầm (kể cả lối tiếp cận ra vào) cần nghiên cứu vị trí phù hợp, tuyệt đối tránh sử dụng đường Trần Quốc Toản làm chủ đạo và tránh hướng về hồ Xuân Hương; nghiên cứu sử dụng trục đường Đinh Tiên Hoàng và Trần Nhân Tông làm chủ đạo.
Ông Võ Ngọc Hiệp cũng giao Sở TN&MT hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất và bổ sung kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích thực hiện công trình. Quá trình đề xuất các thủ tục về đất đai và rừng phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Sở NN&PTNT và Sở TN&MT.
Tránh lãng phí
Nhận định về các vi phạm của doanh nghiệp, Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, dù các công trình đã được “chấp thuận chủ trương” nhưng việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây công trình (nếu thuộc trường hợp không được miễn) chưa được cấp thẩm quyền thông qua thì triển khai xây dựng vẫn là hoạt động xây dựng không phép và đồng thời vi phạm quy định về sử dụng đất.
Việc này có thể xuất phát tự việc nóng vội của doanh nghiệp khi quá trình thực hiện các bước đầu tư ở cấp có thẩm quyền vẫn còn mất nhiều thời gian và phải qua nhiều “cửa” gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh khiến doanh nghiệp “cầm đèn chạy trước”.
Luật sư Trần Đức Phượng cho biết thêm, theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP) đối với công trình đang trong quá trình xây dựng (khoản 6 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP) thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 của Nghị định này (tổ chức có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng). Việc xử phạt và quy định thời gian tổ chức vi phạm hoàn thành thủ tục vừa là quyền vừa là quy định mà Nghị định này đều quy định rõ.
“Để tháo gỡ nên xem xét cho các công trình sai phép, không phép được sửa hồ sơ, thủ tục để được cấp phép xây dựng đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí" – Luật sư Trần Đức Phượng nêu ý kiến.