Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng năm 2019

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN. Đó là một trong những nhiệm vụ Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên trong năm 2019.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thúc đẩy những “điểm chững”
Như đánh giá của UBND TP, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là hỗ trợ DN, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, quý I/2019, Hà Nội vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 6,99%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 68.100 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 24,4%).
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 10,5%; thành lập mới 6.339 DN với tổng vốn đăng ký 52.600 tỷ đồng (tăng 16% về số lượng so với cùng kỳ). Chỉ số PCI tăng bốn bậc so với năm 2017, xếp thứ 9 trong số 63 tỉnh, TP và về đích sớm hai năm so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020…
Đóng góp vào kết quả chung của TP, nhiều quận, huyện tích cực triển khai hiệu quả nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Như Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho biết, ngay trong quý I/2019, thu ngân sách của huyện đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm. Huyện cũng mở mang đường giao thông, tăng số giường bệnh để hoàn thiện đề án trở thành quận trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dù vẫn giữ nhịp độ phát triển, nhưng việc một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô như công nghiệp, xuất khẩu, du lịch đang có dấu hiệu “chững lại”. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn. Qua đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn để cải thiện những chỉ số này, tránh ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng của TP năm 2019.
Rà soát thủ tục, nâng cao trách nhiệm
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mục tiêu đã đặt ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vừa đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào ba nhóm giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng; bảo đảm thu ngân sách và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong đó, TP yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; chỉnh sửa, bổ sung chính sách tạo thuận lợi cho người dân và DN. Hoàn thành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch dịch vụ công mức 3, mức độ 4 năm 2019 (mục tiêu là 80% dịch vụ công đạt mức độ 3,4). Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Song song với cải cách hành chính, TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, Sở KH&ĐT là đầu mối chính trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải ngân các dự án, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng đô thị, nông thôn mới...
Sở Công thương chủ trì việc đẩy nhanh các dự án thương mại, siêu thị, chợ. Tích cực kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương; quản lý tốt thị trường trong nước, các kênh phân phối, bán lẻ... Sở Du lịch phối hợp với các bên tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đa dạng hóa nguồn lực phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Đồng thời, Sở NN&PTNT được giao phối hợp các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích chuyển đổi từ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng sản phẩm an toàn. Việc quản lý thu, chống thất thu ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chuyển giá, trốn, lậu… cũng được.
TP cũng sẽ tiếp tục đổi mới trong tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phương thức lãnh đạo của chính quyền từ TP đến cơ sở cũng sẽ tiếp tục đổi mới, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các cấp, các ngành lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ cơ sở, tăng cường đối thoại, để bảo đảm ổn định từ cơ sở.