Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ vướng mắc nhờ tăng đối thoại

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân lâu nay được TP Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Từ năm 2017, Thành ủy Hà Nội đã có Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP, để thúc đẩy hiệu quả hơn hoạt động này.

Buổi đối thoại giữa UBND quận Long Biên với người dân phường Ngọc Thụy, ngày 3/4. Ảnh: Văn Cảnh
Buổi đối thoại giữa UBND quận Long Biên với người dân phường Ngọc Thụy, ngày 3/4. Ảnh: Văn Cảnh

Rõ trách nhiệm

Theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, đã góp phần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Đồng thời, giúp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

Nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của địa phương cũng đã được thực hiện hiệu quả thông qua đối thoại. Thống kê cho thấy, cấp TP đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Các quận, huyện cũng đã định kỳ tổ chức được 208 hội nghị, thu hút 46.474 lượt người tham gia với 8.567 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 8.430 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%). Cấp xã tổ chức được 2.955 hội nghị, thu hút 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 41.116 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%)…

Các nội dung kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, đều đã được tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Việc lãnh đạo TP trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đại diện Nhân dân về những vấn đề nóng và những vấn đề người dân kiến nghị tại các cuộc đối thoại, lãnh đạo TP đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm, được Nhân dân đánh giá cao.

Tháo gỡ cụ thể các vấn đề

Việc tổ chức đối thoại định kỳ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện Nhân dân địa phương trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã, xã đến tận thôn để thực hiện đối thoại…

Tại quận Hà Đông, qua 5 năm triển khai, nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại đều tập trung vào những vấn đề người dân đang quan tâm hoặc có bức xúc. Trong đó từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn quận đã tổ chức 129 cuộc tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất với hơn 11.000 lượt người tham dự.

Sau các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở đều ban hành thông báo kết luận lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý.

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời một cách “thấu lý đạt tình” đã “hạ nhiệt” rất nhanh. Không chỉ tổ chức đối thoại chung, một số địa phương còn lựa chọn những vấn đề đang được quan tâm để đối thoại. Bên cạnh các cuộc định kỳ, cấp ủy, chính quyền còn kịp thời tổ chức tiếp xúc, đối thoại đột xuất với những vấn đề dân sinh bức xúc đang được quan tâm về đất đai, trật tự xây dựng, việc triển khai các dự án đầu tư, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn...

Gần đây nhất, nhiều quận, huyện đã đối thoại với người lao động và DN về nhiều vấn đề liên quan đến hỗ trợ DN, người lao động sau dịch... Tại đây, lãnh đạo các quận, huyện đã trả lời cụ thể các vấn đề, đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người lao động.

Lời hứa của người đứng đầu qua các cuộc đối thoại đã tạo áp lực để các cơ quan chức năng phải tập trung, đeo bám giải quyết hơn với đáp án cụ thể. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt, còn giúp cho nhiệm vụ chung “trôi” hơn, đạt hiệu quả hơn.

Từ những kết quả này, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đối thoại theo hướng thực chất, hiệu quả hơn từ việc chọn đúng và trúng vấn đề người dân quan tâm, đến mở rộng quy mô, đối tượng tham gia…

Đồng thời, tập hợp những kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; thực hiện giám sát việc thực hiện các kết luận sau hội nghị, giải quyết kịp thời những nội dung góp ý, phản ánh, kiến nghị để tạo đồng thuận từ cơ sở.