Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý hoạt động ngành in

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/10, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội in Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Chính sách quản lý về hoạt động in - những vướng mắc, bất cập và kiến nghị nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp hoàn thiện chính sách đối với hoạt động in.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng một số quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hoạt động của ngành in còn bất cập, hạn chế hoạt động của ngành in, sản xuất nhãn hàng và bao bì, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không thúc đẩy ngành in trong nước phát triển. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi một số quy định để phù hợp với thực tiễn hoạt động ngành in trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Dzong -Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, để quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thì Bộ Thông tin và Truyền thông cần quy định niên hạn cho các loại máy móc, thiết bị cho phù hợp với thực tế (không nên là Bộ Khoa học và Công nghệ quy định giống như hiện nay). Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp.

Tiến sỹ - Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trường Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về việc thành lập doanh nghiệp in, chỉ nên quy định bốn điều kiện: Chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam; người chịu trách nhiệm đại diện pháp luật phải là công dân Việt Nam; trong ban giám đốc điều hành có ít nhất một người đã được đào tạo về ngành in; có mặt bằng, cơ sở vật chất phù hợp cho hoạt động in.

Còn ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội in TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 60 đã đưa hoạt động của nghề gia công sau in vào diện quản lý giống như nhà in, phải thực hiện tất cả các thủ tục hành chính như doanh nghiệp in, trong khi trên thực tế nghề gia công in thường mang tính chất bình dân, đa phần do các hộ gia đình thực hiện gia công tại nhà, quy định như vậy gây khó khăn cho hoạt động gia công sau in.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nhiều quy định tại Nghị định 60 cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Tiêu chí người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng in trở lên hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ in là không hợp lý; quy định hoạt động hợp tác của các cơ sở in tại khoản c, mục 3 không cho phép các cơ sở in hợp tác gia công cho nhau các sản phẩm do mình đang nhận hợp tác. Điều này làm hạn chế mối liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, hạn chế sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài...