Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo luận tổ ĐBQH TP Hà Nội: Nóng vấn đề chống tham nhũng, lãng phí

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tại tổ ĐBQH TP Hà Nội, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí được các ĐBQH TP Hà Nội rất quan tâm.

 Hình ảnh tại cuộc thảo luận tổ ĐBQH TP Hà Nội.
Tại cuộc thảo luận tổ ĐBQH TP Hà Nội, các ĐBQH đều đánh giá cao những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; cũng như kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
 ĐBQH Nguyễn Phú Trọng lắng nghe các ĐBQH phát biểu ý kiến.
Nói về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết: Trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra điều mà xã hội hết sức quan tâm là mục tiêu về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có thể nói, trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ án tham nhũng và những vụ án tham nhũng này mang tính chất chính trị cao. Đặc biệt, các vụ án đã động chạm đến tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực đứng ra bảo vệ pháp luật như lĩnh vực công an. Nhiều vụ án không chỉ xử lý những cán bộ đã nghỉ hưu mà cả những cán bộ đang đương chức.
 Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải điều hành cuộc thảo luận.
 Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận. 
“Quả thực, có lẽ rất ít người hình dung được rằng chúng ta lại có thể làm mạnh, quyết liệt đến như thế. Mặc dù, có những trở ngại vứng mắc trong quá trình triển khai do có những người vi phạm đang nắm giữ cương vị chỉ đạo sự phát triển xã hội, ổn định nền kinh tế; nhưng chúng ta vẫn cương quyết điều tra, bắt giữ, đua ra vành móng ngựa… Điều đó thể hiện rất rõ và khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta không có vùng cấm. Kết quả đạt được chúng ta không vui gì với những sự việc đó nhưng quyết tâm của chúng ta không có vùng cấm. Đồng thời, đã và đang tạo ra niềm tin lớn đối với người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Và chắc chắn, tất cả cử tri cả nước đều mong muốn Đảng và Chính phủ tiếp tục đi trên con đường này. Đây không chỉ là việc chúng ta chống mà giá trị lớn hơn là phòng ngừa tham nhũng, lãng phí cho những hoạt động tiếp theo trong tương lai”, ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ.
 ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu.

Cùng bàn về vấn đề này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 cho thấy, số chuyển nguồn trong quyết toán ngân sách quá lớn. Trong khi chúng ta kêu thiếu vốn nhưng hàng năm chúng ta lại không sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách. Chỉ tính riêng năm 2016 có tới trên 279.000 tỷ đồng chuyển nguồn sang năm 2017. Trong đó, có rất nhiều nguồn đọng lại ở các dự án. Đây là sự lãng phí nghiêm trọng. Do đó, tới đây, chúng tôi đề nghị sửa Luật Đầu tư công, trong đó, quy định về vấn đề chuyển nguồn cần điều chỉnh theo hướng không cho phép kéo dài việc chuyển nguồn như Luật Đầu tư công quy định. Chúng ta phải sớm trình sửa Luật Đầu tư công để Quốc hội xem xét thông qua.
Một vấn đề khác liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nêu là Chính phủ cần hết sức lưu ý 4 lĩnh vực xảy ra lãng phí nghiêm trọng gồm: Quản lý đất đai, sử dụng tài sản Nhà nước, lĩnh vực đầu tư công; và tổ chức lễ hội, khởi công, động thổ. Trong đó, những điều chúng ta tưởng như không lãng phí nhưng lại rất lãng phí, đó là vấn đề liên quan đến tổ chức lễ hội, khởi công, động thổ.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu.
“Chúng ta thấy là hầu như tháng nào cũng có, hoặc có những thời điểm, cùng lúc chúng ta truyền hình trực tiếp hàng loạt những lễ hội. Theo ước tính của Bộ Tài chính, số chúng ta chi cho tổ chức các lễ hội từ nguồn ngân sách nhà nước không hề nhỏ. Nghị quyết của Quốc hội cũng hạn chế tối đa các hoạt động khởi công, lễ hội. Có thể có nhiều lễ hội mang ý nghĩa, giá trị động viên lớn, cần thiết phải tổ chức. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cân nhắc tính hợp lý trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta rất hạn chế”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phân tích.
Cũng theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo của Bộ Tài chính đã nêu ra và chỉ rõ những địa chỉ, thanh tra cũng đưa rõ những số liệu cụ thể liên quan đến những vi phạm. Và theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì khi có vi phạm như vậy bắt buộc phải xử lý. Tuy vậy, trong báo cáo và trong tổ chức thực hiện mới chỉ nêu như một hiện tượng, không có biện pháp xử lý, không đưa ra đề xuất để chúng ta có thể đi đến tận cùng, hoặc có thể truy cứu trách nhiệm. “Tôi nghĩ, như vậy có phần còn nửa vời. Do đó, nếu chúng ta có địa chỉ, vi phạm rõ ràng thì phải đưa ra xem xét, xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu.
Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, lãng phí gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Có nhiều loại lãng phí, như lãng phí sức lực, tiền, kinh phí, lãng phí cơ hội…  Có nhiều nguyên nhân gây ra lãng phí như: Thiếu trách nhiệm, thờ ơ, không biết. Hậu quả của lãng phí nhiều khi không thể nào đo đếm được.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí dẫn chứng: “Chẳng hạn vì quản lý tinh thần trách nhiệm chưa tốt nên chậm tiến độ dự án, để chậm 1 năm thôi, giá đất tăng vọt, khiến không còn khả năng đền bù, giải tỏa trong giá tiền theo dự toán. Dự án càng lớn, lãng phí càng nhiều và hậu quả càng nặng, do đó, cần chống lãng phí mạnh mẽ hơn”.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân phải cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, phải đặc biệt chú ý đến việc nhận diện lãng phí vì lãng phí cực kỳ khó nhận diện. Cùng với đó, cần đánh giá lãng phí, có biện pháp phòng chống lãng phí, và đề ra cách khắc phục hậu quả của lãng phí. “Đây là cuộc chiến lớn. Nếu được, cần có Nghị quyết TƯ về vấn đề này”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.