Tháo lực cản kìm hãm cổ phần hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH) khả quan hơn, quản trị thay đổi tốt nhưng số lượng DNNN hoàn thành CPH, thoái vốn vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến nay, chỉ có 2/85 DN hoàn thành CPH theo tiến độ đề ra của năm 2018. Có địa phương như TP Hồ Chí Minh vẫn “trắng” DN được CPH. Ngoài ra, tình trạng chây ì lên sàn chứng khoán, sợ minh bạch diễn ra phổ biến. Đến nay, hơn 650 DNNN sau CPH vẫn chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Một nguyên nhân được nói đi nói lại nhiều lần của tình trạng “lỡ hẹn” CPH, thoái vốn DNNN hết năm này qua năm khác là tư tưởng e ngại, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau khi DN CPH của những người đứng đầu DN, bộ, ngành, địa phương. Tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra, việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong CPH, thoái vốn.

Vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh, những người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty, DNNN cần thực hiện, chấn chỉnh, đổi mới mọi mặt hoạt động, đặc biệt việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật. Nếu bản thân lãnh đạo không quyết tâm vượt qua tư duy cũ, nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm thì quá trình thoái vốn, CPH DNNN sẽ vẫn tồn tại những lực cản lớn.

Muốn thực hiện tái cơ cấu DNNN thành công, đòi hỏi tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người đứng đầu. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải có cơ chế khuyến khích lãnh đạo DN dám chịu trách nhiệm và hạn chế tối đa những rủi ro cho họ.

Thực tế, câu chuyện mâu thuẫn giữa tập trung quản lý và phân cấp quyền cho DNNN cũng được đề cập đến. Nếu phân cấp mạnh cho tập đoàn, tổng công ty thì có rủi ro về lạm dụng quyền lực, thất thoát, nhưng nếu tập trung hóa cao độ thì tắc nghẽn rất nhiều thứ. Vì thế, DN đề xuất, cần dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi của lãnh đạo DN hơn là dùng mệnh lệnh hành chính. Dùng hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm, giống như các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng để dựa vào đó biết được mức độ tin cậy của DN để phân cấp là một gợi ý được DN đề xuất. Với DN càng hoạt động tốt, lợi nhuận lớn thì phân cấp càng mạnh, DN kém hiệu quả, nợ nần nhiều thì đưa vào kiểm soát rủi ro. Như vậy, để đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn DNNN và đưa DNNN hoạt động đi lên, ngoài việc nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, cũng cần có cơ chế để họ có thể dám làm mà không phải nơm nớp lo rủi ro trách nhiệm. Có thực hiện song song hai nhiệm vụ này thì hiệu quả của công tác tái cơ cấu DNNN nói chung, CPH nói riêng mới đạt mục tiêu về tiến độ và chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần