Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo ngăn cách, đón du khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng số

Lại Tấn - Ảnh: Ngọc Tú.
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh dịch Covid-19 và sự phát triển của công nghệ, các di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần những ngăn cách để tiếp cận với công chúng. Đó là nội dung tọa đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” diễn ra vào sáng 26/9.

Không để nền gạch, đường đi mốc rêu

Tọa đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” – ra mắt dự án không gian văn hoá Quốc Tử Giám được tổ chức trong bối cảnh các di tích tại Hà Nội phải tạm đóng cửa để phòng dịch Covid-19.

Tại buổi toạ đàm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Với người làm việc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám niềm vui lớn nhất là được đón khách tham quan. Nhưng mấy tháng nay, di tích được ví như ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến không có bóng dáng của du khách. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn đó, cán bộ, nhân viên nơi này có thời gian để lắng lại để tập trung nghiên cứu, từ đó đưa ra các hoạt động, sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách tham quan. Hiện nay, bộ máy truyền thông của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tích cực chuẩn bị nội dung với tinh thần di tích đóng cửa nhưng lúc nào cũng mở cửa đón du khách trên nền tảng số”.

Toạ đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt. 

Theo đó, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với các bạn trẻ của nhóm Gavisto ra mắt dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám”. Dự án có chức năng quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa Quốc Tử Giám, cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa chung, dự án tập trung thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại. Hiện nay, trên hai nền tạng mạng xã hội Facebook và Instargam, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” đã có hơn 2.000 người đăng ký theo dõi.

Đánh giá cao sự ra mắt dự án về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng số, trợ lý giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) Trương Quốc Toàn chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, tôi thấy rằng lãnh đạo Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có tư duy rộng mở, phá bỏ tường rào ngăn cách với công chúng. Chúng ta đã đưa các giá trị của di sản đến với người xem, không ngồi chờ một cách thụ động. Tôi cho rằng, đây là tư duy cần cho các điểm di tích”.
 Văn Miếu - Quốc Tử Giám vắng bóng khách tham quan  trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú.

Tuy nhiên, khách mời tham gia toạ đàm nhấn mạnh, dự án số hoá không chỉ chú trọng vào công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ trong di sản chỉ chiếm 30%, 70% là nội dung và cách thức trình bày. Ví dụ khi đến Văn Miếu, khách tham quan chỉ biết 82 bia tiến sĩ được đặt trên rùa đá với những hàng chữ Nho ít người hiểu dược. Do vậy, dự án phải ứng dụng công nghệ để những tấm bia đá lên tiếng, kể về cuộc đời hơn 1.000 tiến sĩ thông qua hình ảnh, inforgraphic hay phát động những cuộc thi sáng tác truyện tranh hay tiểu thuyết.

Để sĩ tử không còn cúng vái tại bia Hạ Mã

Tại buổi toạ đàm trực tuyến, một trong những vấn đề được nhiều người xem đặt câu hỏi trong buổi toạ đàm là làm cách nào để ứng dụng công nghệ hiện đại giúp Văn Miếu – Quốc Tử Giám “lột xác” nhưng không đánh mất giá trị truyền thống, đồng thời phát huy đúng các giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trả lời câu hỏi của người xem, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Từ Giám cho biết: “Từ lột xác làm tôi ám ảnh. Tôi có trải nghiệm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám cuối năm 2016 khi đơn vị tổ chức quét vôi một số bức tường mới nhưng sau đó nhiều ý kiến trái chiều như “biến di tích thành 0 ngày tuổi” mặc dù đó là hạng múc xây mới, cần bảo trì. Do vậy, công chúng yên tâm là những người làm việc tại di tích chắc chắn có những việc làm phù hợp. Chúng tôi quan niệm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, có sức sống qua thời gian. Vấn đề hiện nay, chúng ta cần phát huy truyền thống, đánh thức các giá trị đó. Giá trị nào được nhận diện chưa đúng như hiện tượng sĩ tử đến kỳ thi sờ đầu rùa hay vái ở bia Hạ Mã cần được tuyên truyền, sửa đổi. Giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám như chúng ta nói là về tôn sư trọng đạo, đó là giá trị phi vật thể thường nghe thấy. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn, chúng ta cần chuyển những giá trị trừu tượng thành hoạt động cụ thể. Đó là trách nhiệm của chúng ta, điều mà các dự án hướng đến”.

Hiện nay, bằng việc áp dụng công nghệ, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai nhiều nội dung như: Kết nối khu vực nội tự với Vườn Giám, Hồ Văn trở thành chỉnh thể thống nhất phát huy giá trị; số hoá những giá trị vật thể và phi vật thể của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tổ chức hoạt động định kỳ hàng tháng, tuần gắn với giá trị về đạo học; kết nối Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các di sản khác. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Từ Giám luôn đón nhận những ý tưởng, cách làm mới từ giới trẻ.