Tháo “vòng kim cô” cho cây

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng kiến cảnh cây xanh bị siết chặt ở thân, phần trên tiếp tục phình ra, ở dưới trông như bị teo tóp nên một nhà khoa học trẻ đã đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ vòng sắt này, làm vòng mới phù hợp hơn để cây phát triển bình thường.

Mới đây, trên trang cá nhân, một nhà khoa học trẻ chụp hình một cây bàng được trồng ở dải phân cách quốc lộ 5, đoạn qua Gia Lâm và Long Biên, Hà Nội, đang bị một vòng sắt siết chặt ở thân. Cây này do tuổi đang phát triển nhanh nên khi vòng sắt có trên 3 cột sắt chống bảo vệ cây ôm lấy nó thì phần trên tiếp tục phình ra, ở dưới trông như bị teo tóp. Vòng sắt siết chặt cây trông rất tội nghiệp và nếu để lâu sẽ bị gãy đổ vì “thượng đa, hạ thiểu” và chỗ bị vòng sắt siết bị mục ruỗng.

Nhà khoa học nói trên đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ vòng sắt này, làm vòng mới phù hợp hơn để cây phát triển bình thường.

Theo chúng tôi, không chỉ ở cây xanh nói trên, các cơ quan chức năng nên kiểm tra có cây nào rơi vào tình trạng tương tự không, nhằm tránh cây sẽ gãy đổ gây nguy hiểm cho người đi đường.

Nếu cây quá lớn thì có thể thay cột chống sắt lớn hơn. Tuy nhiên, các cột chống sắt nhỏ không nên xem là phế liệu mà có thể dùng cho cây nhỏ mới trồng.

Chúng tôi cũng được biết, qua báo chí, cách nay độ mấy năm, cơ quan quản lý cây xanh Hà Nội đã công bố đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình trạng cây xanh gãy, đổ, hoặc có dấu hiệu nguy hiểm để cơ quan này đến xử lý kịp thời. Vậy hiện đường dây nóng còn có hiệu lực không? Nếu có thì nên tiếp tục cho phổ biến rộng rãi hơn nữa để mọi người dân nắm rõ. Việc phổ biến đường dây nóng cần nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ ở Hà Nội, các TP khác trong nước cũng nên công bố rộng rãi về số điện thoại phản ánh tình trạng cây xanh.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi có bất kỳ sự cố gì về cây xanh, người dân có thể gọi vào tổng đài số 1022 để được xử lý kịp thời. Các TP khác cũng nên có số tổng đài dễ nhớ như vậy, vì người dân sẽ gặp khó khi phải nhớ con số dãy dài.

Để khuyến khích người dân tích cực phản ánh về tình trạng cây xanh, mỗi TP nên có quỹ khen thưởng, nhất là với người có nhiều lần thông báo, lên cơ quan chức năng để động viên kịp thời.

Được biết, cây xanh ở các TP lớn đều được lập một hồ sơ riêng để theo dõi chăm sóc. Tuy nhiên, hằng năm, nhất là vào mùa mưa bão, cây xanh cần được chăm sóc thường xuyên hơn như chằng chống kỹ, tỉa cành tránh gãy, đổ.

TP phải được gắn liền bởi những cây xanh, những mảnh xanh. Việc chăm sóc cây xanh là phần không thể thiếu trong quản lý đô thị và không của riêng ai.

Cây xanh khỏe mạnh, tươi tốt, không chỉ tạo nên hình ảnh xanh sạch cho đô thị mà còn góp phần giúp bầu không khí bớt ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của mỗi cư dân. Do đó, bên cạnh cơ quan quản lý, mỗi cư dân chúng ta cần quan tâm, chăm sóc cây xanh, không làm gì để ảnh hưởng đến sự phát triển của nó, kịp thời thông báo tình hình khi cây có vấn đề.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần