Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thắp lên hy vọng an cư, lạc nghiệp

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 lên tới 65.000 tỷ đồng, thực sự là tin vui đối với người thu nhập thấp.

Đề xuất như đã thắp lên niềm hy vọng an cư lạc nghiệp, nhất là đối với công nhân, người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.
Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng gồm: Cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) và cho các cá nhân được hưởng chính sách này theo quy định.

Đề xuất này được nhận định sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, đó là đảm bảo an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các DN gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản. Đề xuất cũng góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021.

Còn nhớ cách đây gần chục năm, Bộ Xây dựng cũng đã từng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, sau đó đã được Chính phủ đồng ý bằng Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013. Điều đáng nói, gói tín dụng này khi đó không chỉ “cứu cánh” cho thị trường bất động sản vốn đang bị đóng băng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mà còn giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng chục nghìn người thu nhập thấp, nhất là trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chính vì thế, đề xuất của Bộ Xây dựng lần này càng được người dân kỳ vọng hơn về tính kịp thời của chính sách an sinh xã hội. Bởi lẽ, sau gần 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua đã khiến cho chuỗi sản xuất bị đứt gãy, các DN bất động sản điêu đứng, người lao động, đặc biệt là người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất bị mất việc làm hoặc phải nghỉ không lương vì dịch.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Sau đại dịch, có lẽ giấc mơ về căn nhà của chính mình càng trở nên xa vời đối với họ.

Có “An cư” thì mới “lạc nghiệp”. Vì vậy, mong rằng đề xuất về gói tín dụng vay ưu đãi nói trên của Bộ Xây dựng sẽ sớm được Chính phủ chấp thuận, để những người công nhân, người lao động có cơ hội được mua nhà, giúp họ yên tâm sản xuất, cống hiến dựng xây đất nước.