70 năm giải phóng Thủ đô

Thắp lửa cống hiến cho tuổi trẻ

Lại Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931– 26/3/2021), Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày “Một thời sôi nổi”.

 Những ký ức một thời sôi nổi của thế hệ thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến và giai đoạn hiện nay được tái hiện chân thực qua các hiện vật và lời kể của các nhân chứng lịch sử.
Hành trình cảm xúc

Khu trưng bày “Một thời sôi nổi” được xây dựng, sắp xếp như một hành trình cảm xúc đưa du khách ngược thời gian, quay trở lại một thời sôi nổi của thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những chiếc xe không kính nhọc nhằn băng qua lửa đạn, chiếc mũ cối đặt ngay ngắn trên trang sách trắng tinh, anh lính tân binh gửi lại ngày lên đường nhập ngũ...
Mỗi phân cảnh trong trưng bày đều được lồng ghép âm thanh sống động: Tiếng bước chân hành quân, tiếng còi báo hiệu thông đường cho xe qua, tiếng bom rơi, đạn nổ. Trưng bày “Một thời sôi nổi” được thể hiện qua 2 nội dung: “Ánh lửa từ trái tim” và “Ước vọng xây đời”.
 Công chúng tham quan trưng bày ''Một thời sôi nổi'' tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Minh An
Đến tham quan trưng bày, những nhân chứng lịch sử là các cựu học sinh, sinh viên kháng chiến trường Chu Văn An, trường nữ trung học Trưng Vương… đã hòa mình vào giai điệu của những khúc ca đi cùng năm tháng đầy nhiệt huyết, hoài bão của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong số các nhân chứng, có ông Dương Tự Minh từng là Phó trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò; con trai cố GS Dương Quảng Hàm.
Ông Dương Tự Minh chia sẻ: "Năm nay, tôi đã bước sang tuổi 86. Tôi rất cảm động khi nhớ lại thời mình 16 tuổi, trực tiếp tham gia cùng với quân và dân Hà Nội đấu tranh chống thực dân Pháp. Thời chúng tôi có những kỷ niệm không thể nào quên được, trong đó có việc tích cực tham gia phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Đặc biệt, trong phong trào chống giặc ngoại xâm, thanh thiếu niên Hà Nội hoạt động rất tích cực".

Ngắm nhìn các hiện vật tại triển lãm và gặp gỡ những người bạn từ khi tham gia phong trào học sinh kháng chiến năm 1949, bà Đỗ Hồng Phấn xúc động kể: “Trực tiếp tham gia Cách mạng tháng Tám, được tuyên truyền, giáo dục nên chúng tôi luôn ý thức sâu sắc về cuộc đấu tranh cách mạng để giành độc lập. Rất nhiều người sống ở Hà Nội nhưng gia đình đều có người đi kháng chiến, tham gia vào công tác Đoàn rất tự nhiên”.

Tiếp nối truyền thống

Bên cạnh các hiện vật, tài liệu kể về ký ức hào hùng của thanh niên Việt Nam trong thời chiến, trưng bày “Một thời sôi nổi” còn giới thiệu những hình ảnh, câu chuyện khắc họa hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam trong thời bình, biến ngọn lửa nhiệt huyết thành những hành động, việc làm thực tế, sáng tạo, hiệu quả. Đó là, Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” do T.Ư Đoàn triển khai 28 năm qua (1993 – 2021). Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chẳng còn đạn bom nhưng vẫn có những liệt sĩ hy sinh vì cứu em nhỏ giữa dòng nước lũ; xả thân truy bắt tội phạm hay quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chiến sĩ trẻ hôm nay anh dũng, thầm lặng tiếp tục cùng Nhân dân gìn giữ và dựng xây đất nước. Đặc biệt, trong năm 2020, một lần nữa tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam lại ngời sáng trong các hoạt động khắc phục hậu quả mưa lũ và chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Mặt khác, khi tham quan trưng bày, du khách cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị như: Hóa thân thành bộ đội lái xe Trường Sơn, chụp ảnh bên hành trang người lính. Theo Trưởng ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy, qua trưng bày lần này, Ban Tổ chức muốn gửi đi thông điệp: “Hãy sống, cống hiến và noi gương các thế hệ cha ông để viết tiếp bản hùng ca bất diệt của thanh niên Việt Nam, viết nên câu chuyện về một thời sôi nổi của chính mình”.