Người Việt lười vận động nhất thế giới
Mới đây, tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) đã công bố một nghiên cứu khoa học về việc tập luyện thể dục thể thao. Theo đó, có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.
Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, thể trạng của người Việt Nam kém xa với các nước trong khu vực, không những về chiều cao, cân nặng mà cả về các tố chất thể lực, sức bền. Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164cm, nữ 153cm, thấp hơn 8cm so với người Nhật, 10cm so với Hàn Quốc. Hiện tại, thanh niên Nhật Bản trung bình cao 172cm với nam và 158cm với nữ. Ở Hàn Quốc, chiều cao trung bình nam thanh niên là 174cm, nữ 161cm.Bác sĩ Trần Khánh Vân - Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng chiều cao của người Việt quá chậm, trung bình thêm 1,1cm mỗi thập kỷ. Trong khi đó, Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8cm (đối với nam) và 2,5cm (đối với nữ). "Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gene mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động" - bác sĩ Vân cho biết. Cũng theo nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, chỉ 23% là di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%. “Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cân, kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương, từ đó đạt được chiều cao tối đa, cải thiện nhược điểm về gene di truyền” – bác sĩ Khánh Vân khẳng định.Lo ngại bệnh không lây nhiễmCũng theo Viện Dinh dưỡng, khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động. "Các em chỉ là chuyển động đơn thuần còn hoạt động thể dục thể thao gần như không tham gia. Phiếu khảo sát về các hoạt động thể thao cũng cho thấy phần lớn trẻ không chơi" - bác sĩ Vân nói. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, trung bình, ngủ dưới 8 tiếng một ngày có nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nhiều, ngủ đủ, ngồi màn hình máy tính ít hơn.Thiếu vận động dẫn tới hàng loạt bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư vú, ung thư đại tràng... Các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá và nếu thế giới giảm được 10% tỷ lệ người thiếu vận động sẽ ngăn chặn được cái chết của hơn 500.000 người/năm. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam và Viện Dinh dưỡng tại 8 tỉnh, TP, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch (từ 25 tuổi trở lên) là 25,1%, tỷ lệ người mắc chứng béo phì là 16,3%. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, lười vận động được chứng minh là một trong những nguy cơ chính dẫn đến hai căn bệnh này và vô số các nguy cơ bệnh khác.Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30%. Chính vì vậy, Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Bộ Y tế phát động trong tuần qua nhằm tăng cường vận động thể lực cho người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, muốn phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực của người Việt Nam, cần phải dựa vào 3 yếu tố cốt lõi đó là: Vệ sinh phòng bệnh tốt, ăn uống điều độ và rèn luyện thể lực thường xuyên. Bộ Y tế kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên: Cần có giải pháp can thiệp mạnh mẽ Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4cm. Ngoài ra, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Vì thế, để cải thiện chiều cao, cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quan tâm chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ | ||
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: 100% học sinh sẽ được tập thể dục hàng ngày |