Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thắt chặt tình đồng minh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai tháng sau khi quay trở lại với cương vị là Thủ tướng Nhật Bản, hôm 22/2, ông Shinzo Abe thực hiện chuyến công du tới Mỹ nhằm tăng cường quan hệ đồng minh, đối tác truyền thống trong bối cảnh, chính trường và thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những diễn biến bất thường.

Lịch trình bận rộn, chương trình nghị sự dày đặc giữa ông Abe với Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng những quan chức hàng đầu của nước chủ nhà được cho là nhằm thiết lập mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo.

Nếu chuyến đi thu được kết quả khả quan, đây sẽ là lời khẳng định với cử tri Nhật Bản về khả năng đối ngoại của Thủ tướng Abe, bên cạnh các chính sách điều hành kinh tế được người dân đánh giá cao trong thời gian qua.

 Theo đó, ông Abe sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa Nhật và Mỹ như một động thái nhằm chứng tỏ sự chặt chẽ của liên minh Nhật - Mỹ, giữa lúc Trung Quốc ngày càng leo thang các hoạt động quân sự ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Với chiến lược "trở lại châu Á - Thái Bình Dương" được đặt ra từ nhiệm kỳ đầu tiên, nên việc ông Obama "gật đầu" với lời đề nghị trên của Tokyo là điều hoàn toàn dễ hiểu.
 
 
Thắt chặt tình đồng minh - Ảnh 1
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện chuyến công du tới Mỹ từ ngày 22/2.

Tuy nhiên, mức độ của kế hoạch hợp tác về an ninh hàng hải giữa Mỹ - Nhật đến mức độ nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bên cạnh vấn đề về hợp tác an ninh hàng hải, thống nhất cách thức đối phó với các động thái thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên... cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Nhật hôm 22/2 còn được cho là nhằm thương thảo về năng lượng.

Dự kiến, Thủ tướng Abe sẽ đề nghị Tổng thống Obama phê duyệt việc xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang Nhật nhằm giảm chi phí nhiệt điện vốn tăng mạnh từ sau khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima hồi tháng 3/2011.

Ngoài ra, trong chuyến đi này, ông Abe dự định tìm hiểu khả năng Nhật Bản được miễn các quy định về thuế quan với một số sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ nông dân trong nước nếu tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, ngay trước thềm chuyến thăm, đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk cho biết, Nhật phải sẵn sàng đàm phán về cả những vấn đề nhạy cảm như các sản phẩm nông nghiệp nếu muốn tham gia TPP. Tuyên bố này là lời cảnh báo của Mỹ với Tokyo rằng cánh cửa thương mại tự do đang ngày càng khép lại đối với Nhật khi nhiều khả năng 11 nước tham gia TPP sẽ đạt được thỏa thuận trong năm nay.

Trước chuyến thăm này, sự thống nhất về những vấn đề quốc tế trong nhiều cuộc điện đàm giữa các quan chức Nhật - Mỹ đã diễn ra cho thấy hai nước vẫn là đồng minh truyền thống quan trọng của nhau. Tuy nhiên, vì đây là những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe cũng như Tổng thống Obama nên chắc chắn hai nhà lãnh đạo này sẽ có những tuyên bố, bước đi thận trọng nhằm duy trì sự ủng hộ cao của cử tri.

Dự kiến, các kết quả khả quan của cuộc hội đàm sẽ liên quan đến vấn đề kinh tế. Đây là cách duy nhất để ông Abe tránh được thất bại trong quá khứ của mình khi buộc phải từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng vào 6 năm trước do không đạt được bước tiến đáng kể trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.