Phủ bóng đen
Trong một nghiên cứu chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G20, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo, thế giới đang rơi vào cuộc suy thoái mới trầm trọng hơn về việc làm, sẽ làm trì trệ hơn nữa tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và có thể châm ngòi làm bùng lên rối loạn xã hội ở hàng loạt nước.
Raymond Torres, Giám đốc Viện Quốc tế nghiên cứu lao động của ILO khẳng định, phục hồi kinh tế trì trệ đã tác động nghiêm trọng đến các thị trường lao động. Với xu thế hiện nay, cần ít nhất 5 năm thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển mới có thể trở lại mức trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chậm hơn 1 năm so với dự báo.
Trong tổng số 118 nước được ILO khảo sát, 69 nước có số người suy giảm mức sống trong năm 2010 tăng cao hơn so với năm 2006 và 50% dân số của 99 nước biểu hiện sự mất lòng tin vào Chính phủ. Mức độ bất bình của người lao động do thiếu việc làm và gánh nặng khủng hoảng được chia sẻ không công bằng đã làm tăng nguy cơ rối loạn xã hội ở ít nhất 45 nước. ILO dẫn ra ba lý do khiến suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động đặc biệt nghiêm trọng đến toàn cảnh việc làm toàn cầu. Một là, so với thời kỳ bắt đầu khủng hoảng, các công ty nay đã ở vị thế yếu hơn rất nhiều để duy trì việc làm. Hai là, khi sức ép thực hiện chính sách khắc khổ về tài chính tăng lên, các chính phủ không thúc đẩy các chương trình hỗ trợ thu nhập hoặc tạo việc làm mới. Ba là, các nước phải hành động riêng rẽ vì thiếu sự phối hợp chính sách quốc tế.
Vẫn nóng vấn đề nợ công châu Âu
Theo dự kiến, tại cuộc họp G20 sắp tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc gặp với các nhà chức trách của Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác, những người đang gây sức ép buộc EU sớm tìm ra các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công, nhân tố đe dọa sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái.
Theo giới phân tích, ngoài vấn đề nóng là nợ công tại châu Âu, Hội nghị Thượng đỉnh G20 còn đề cập tới một số vấn đề kinh tế quan trọng khác như lương và thưởng của ngành ngân hàng, tình trạng trốn thuế, thiết lập thuế giao dịch tài chính và cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Ngoài ra, trong cuộc họp lần này, lãnh đạo các nước G20 sẽ thảo luận về tỷ giá của đồng Nhân dân tệ, hiện vẫn ở mức quá thấp, gây nên sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như châu Âu. Mặc dù các nước phương Tây đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc nâng tỷ giá của đồng nội tệ, song Bắc Kinh vẫn "phớt lờ" và miễn cưỡng tăng tỷ giá của đồng NDT ở mức không đáng kể.