Thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT: Băn khoăn vì áp lực thi cử lớn

Thủy Trúc - Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đề xuất thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp đối với giáo dục THPT theo hướng giảm 20% điểm trung bình cả năm lớp 12 so với năm 2018 đang được nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì học sinh sẽ bị áp lực thi cử rất lớn.

Đề nghị ổn định tỷ lệ 50% - 50%
Theo cách tính mới của Bộ GD&ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT bao gồm 70% điểm 4 bài thi tốt nghiệp cộng với 30% điểm trung bình cả năm lớp 12; trong khi năm ngoái tỷ lệ được sử dụng là 50% - 50%. Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh không đồng tình với quan điểm mới này của Bộ GD&ĐT bởi sẽ tăng áp lực cho học sinh ôn thi.
Bộ GD&ĐT đang đề xuất cách tính xét điểm tốt nghiệp 70% điểm bài thi tốt nghiệp, 30% điểm trung bình lớp 12. Ảnh: Công Hùng
“Học sinh lớp 12 sẽ phải lo lắng nhiều hơn đối với cả những môn không dùng kết quả để xét tuyển đại học. Nếu các em bị điểm thấp thì có thể không đỗ tốt nghiệp THPT. Tôi đã lấy nhiều ví dụ về phép chia theo cách tính xét tốt nghiệp 50% - 50%, học sinh đạt được điểm thi thế này thì đỗ nhưng khi áp 70% - 30% lại trượt” - thầy Tùng phân tích và chỉ ra lý do thứ hai không nên áp dụng tỷ lệ 70% - 30%. Đó là, với việc năm nay Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều điều chỉnh kỹ thuật khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên thí sinh ở trong phòng thi sẽ bị áp lực cao hơn và căng thẳng hơn. Như thế, vô hình trung Bộ GD&ĐT lại không làm đúng điều Bộ và mọi người mong muốn là giảm áp lực thi cử cho học trò.
Lại cũng có những ý kiến rằng, khi Bộ GD&ĐT lấy tỷ trọng 70% điểm bài thi tốt nghiệp và 30% điểm trung bình lớp 12 sẽ mâu thuẫn với chủ trương tới đây xét tốt nghiệp theo hướng đánh giá cả quá trình.

"Sau những lùm xùm về điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ gian lận như lắp camera, duy trì lịch bảo vệ 24 giờ/ngày tại khu vực bảo quản đề thi, bài thi; khi mở niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi đều phải có sự chứng kiến của công an và phải lập biên bản, có chữ ký của trưởng điểm thi; thành lập tổ giám sát để giám sát toàn bộ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm.

Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn các hội đồng thi trong việc sắp xếp phòng thi, để bảo đảm phòng ngừa nguy cơ sắp xếp thí sinh thực hiện mục đích gian lận. Cùng với đó, cụ thể hóa quy chế để xác định rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng tham gia ở từng khâu trong từng giai đoạn của quá trình tổ chức thi. " - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh

Hơn nữa, một bài thi được làm trong thời gian 60, 90 hay 120 phút sẽ không thể đánh giá khách quan được bằng cả quá trình học. Đó là chưa xét tới yếu tố bị căng thẳng khiến kết quả làm bài không tốt. Vì thế, việc nâng tỷ trọng tính điểm bài thi tốt nghiệp lên 70% để tránh nới điểm ở lớp 12 chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”.
Không đồng tình việc năm nào Bộ GD&ĐT cũng thay đổi, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị vẫn nên áp dụng cách tính điểm xét tốt nghiệp 50% điểm bài thi tốt nghiệp và 50% điểm trung bình lớp 12 như năm 2018. “Tôi đề nghị tới đây khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT nên bỏ cách tính xét tốt nghiệp có cộng điểm lớp 12 thì học sinh mới lo học” - ông Tùng Lâm nêu quan điểm.
70% - 30% để học sinh nỗ lực
Trong khi đó, lại có không ít lãnh đạo trường THPT ủng hộ với đề xuất 70% - 30% trong dự thảo sửa đổi Quy chế thi THPT của Bộ GD&ĐT. Bởi, những năm trước, khi sử dụng 50% điểm bài thi tốt nghiệp và 50% điểm trung bình lớp 12 đã dẫn đến tình trạng việc đánh giá chưa sát với năng lực, trình độ thực tế của học sinh.
“Khi sử dụng điểm của lớp 12 vào xét tốt nghiệp, số lượng học sinh khá giỏi tăng lên nhanh chóng do các thầy cô nâng điểm cho học trò. Việc đánh giá không thực chất khiến học sinh không tích cực học tập, ôn luyện cho kỳ thi mà có tâm lý ỉ lại, trông chờ”- thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn nhận định.
Cùng quan điểm, thầy Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng trường THPT Minh Khai thông tin thêm: Có những thí sinh làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm thấp nhưng điểm học tập của môn đó trong học bạ lại rất cao. Do đó, để xét tốt nghiệp một cách khách quan, rất cần áp dụng cách tính 70% - 30% như đề xuất của Bộ GD&ĐT. Thầy Châu cũng cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng về áp lực phòng thi ảnh hưởng đến kết quả làm bài, bởi để đạt được điểm 5 mỗi bài thi không quá khó với học sinh. Thậm chí, cách tính điểm bài thi 70%, học sinh nào ôn tập tốt đạt điểm cao có khi lại gỡ gạc cho điểm trung bình lớp 12.
Với vai trò là giáo dục, cô Nguyễn Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm muốn Bộ GD&ĐT duy trì cách tính 50% - 50% để học sinh đỡ bị áp lực. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại dở ở chỗ khi áp lực ít thì tinh thần học tập của học sinh kém đi, khi áp lực cao thì tinh thần học tập lại tăng lên. Những học sinh giỏi sẽ không quan tâm tới tỷ lệ cộng điểm trung bình lớp 12 là 50% hay 30%. Nhưng học sinh yếu lại thích tỷ trọng 50% - 50% để không phải học nhiều.
“Mọi năm, các học sinh đạt 7,0 điểm trung bình lớp 12 chỉ cần làm bài thi đạt 3 điểm là đậu tốt nghiệp. Như thế, việc học ôn các môn thi tốt nghiệp không quá căng thẳng mà chủ yếu vào các môn xét tuyển đại học. Năm nay, nếu Bộ áp tỷ lệ 70% - 30% thì với 7,0 điểm trung bình lớp 12, các em phải đạt 4 điểm thi mới đỗ tốt nghiệp. Nhưng tôi vẫn muốn Bộ áp tỷ lệ này để học sinh thấy áp lực và nỗ lực hơn trong học tập cũng như ôn luyện” - cô Phương Anh đề xuất.

"Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng, phân phối thời gian, thời lượng đều ở các môn và không được cắt xén chương trình ở bất kỳ môn học nào nhằm tránh hiện tượng học lệch. Ngoài ra, các nhà trường phải tuân thủ nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, bảo đảm trung thực trong dạy học, kiểm tra." - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội Kiều Văn Minh


"Năm 2018 nhà trường vẫn còn một số em có điểm dưới 5 trong kỳ thi THPT quốc gia vì học lệch. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện để các em tiếp cận kiến thức, kỹ năng đều ở các môn, nhà trường khuyến khích các em phát huy ở những môn vốn là thế mạnh như tiếng Anh, Ngữ văn và những môn có tính ứng dụng... " - Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Cao Thị Thanh Nga