Tại hội nghị, 250 lãnh đạo, cán bộ Công đoàn các cấp đã được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin, quán triệt theo 3 chuyên đề: Một số vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực quan hệ lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam hiện nay; cơ hội và thách thức của công đoàn Việt Nam trong hội nhập CPTPP; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới công nhân và hoạt động công đoàn.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn Việt Nam đang ở vào thời điểm có tính bước ngoặt với nhiều thời cơ và thách thức mới. “Với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Từ nay, Công đoàn Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Do đó, có thể phát sinh nhiều vấn đề rất phức tạp, trực tiếp tác động đến Công đoàn Việt Nam”- Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngày càng nặng nề, đi vào thực chất, quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn, trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng cùng phát triển với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, biên chế cán bộ Công đoàn bị giảm sút, cùng với đó là việc đổi mới, tìm ra mô hình tổ chức phù hợp cho tổ chức Công đoàn trong tình hình mới… là một thách thức rất lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong những năm tới.
“Nếu Công đoàn Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam”- Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu nêu rõ.
Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cán bộ Công đoàn phải đổi mới tư duy, thay đổi một cách thực chất hoạt động Công đoàn, hướng về cơ sở, tạo nên những giá trị và lợi ích đích thực cho đoàn viên, người lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với người lao động, trong hệ thống chính trị và đối với xã hội, tạo dấu ấn mới khi công đoàn Việt Nam tròn 90 năm hình thành và phát triển.
Qua những thông tin hữu ích với những chỉ đạo, định hướng thiết thực cho hoạt động Công đoàn Thủ đô trong bối cảnh mới, các cán bộ Công đoàn Thủ đô đã có thêm kiến thức, hiểu thêm về thời cơ, thách thức của lao động và tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP nói riêng, các Hiệp định thương mại tự do nói chung. Đây cũng là cơ hội giúp cho cán bộ công đoàn Thủ đô nắm rõ hơn những nội dung, nguyên tắc cơ bản của Hiệp định này cũng như nắm rõ hơn thời cơ, thách thức của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập.