Thay đổi lớn với những chiến lược dài hạn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công là bước thay đổi căn bản và lớn nhất từ trước đến nay về đầu tư công.

Ngày 7/8, Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư nhằm quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 khai mạc tại TP Đà Nẵng được đánh giá là sẽ có những chuyển đổi mạnh mẽ để đối phó với bẫy thu nhập trung bình; thời điểm để đổi mới phương thức lãnh đạo thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và trực tiếp chủ trì hội nghị.

Tạo những bước chuyển trong công tác kế hoạch

Chuyện đầu tư công dàn trải, lãng phí đã được đề cập từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Trong rất nhiều nguyên nhân thì công tác triển khai và điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm luôn bị động, việc bố trí danh mục các dự án phân tán, dàn trải… là những tác nhân không nhỏ. Kế hoạch luôn phải điều chỉnh đã khiến việc bố trí đầu tư chỉ chú trọng khối lượng mà không quan tâm đến kế hoạch vốn, dẫn đến ngân sách T.Ư, địa phương thường bị mất cân đối. Cùng với đó là cách giám sát kiểu cũ khiến không phân biệt được đâu là vốn do T.Ư quản lý, đâu là phần vốn của địa phương khiến số liệu tổng hợp không có nhiều giá trị trong việc quản lý, thẩm định.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.     Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Chính vì thế, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công là bước thay đổi căn bản và lớn nhất từ trước đến nay về đầu tư công. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quy trình lập kế hoạch đầu tư của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới sẽ phải có thay đổi. Thay vì việc lập kế hoạch đầu tư hàng năm, kế hoạch đầu tư sẽ phải được xây dựng cho cả 5 năm và phải gắn chặt với việc thực hiện những mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của từng địa phương. Việc bố trí vốn cũng được thực hiện cho cả 5 năm thay vì bố trí theo kiểu manh mún. Những giải pháp này nếu được thực hiện nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều công trình bị dở dang do thiếu vốn dẫn đến dự án kém hiệu quả và Chính phủ khó kiểm soát được nợ công của nền kinh tế.

Quản lý đồng bộ, bảo đảm tập trung nguồn vốn

Cùng với những quy định cụ thể thực hiện Luật Đầu tư công, Nghị định về đầu tư trung hạn 5 năm tới đây sẽ được Chính phủ ban hành cũng sẽ tạo những thay đổi cơ bản trong việc lựa chọn nhà thầu: Thay vì chọn nhà thầu có giá rẻ nhất như hiện nay, yếu tố đầu tiên để lựa chọn nhà thầu tới đây là đảm bảo tính kinh tế và kỹ thuật của dự án. Ngoài ra, cách tính tăng trưởng tổng sản phẩm của các địa phương cũng sẽ thay đổi: Thay vì để các địa phương tự tính như từ trước đến nay, tới đây, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện công việc này. Chấm dứt tình trạng các địa phương từ cấp xã có mức tăng trưởng GDP từ 10 - 14%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước chỉ từ 5 - 6%...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo về các nội dung được triển khai trong Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công… Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ghi nhận những ý kiến bên lề hội nghị, một số đại biểu cho rằng, Việt Nam hiện nay vẫn lấy ngắn hạn nuôi dài hạn, dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho những công trình dài hạn. Đầu tư của cả một đất nước mà vốn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng sẽ gây không ít những bất ổn. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dài hạn, thời gian tới cũng cần có những chính sách huy động tiềm lực của tư nhân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm sao để mọi người hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đem vốn ra đầu tư.   

 
Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra đến hết ngày 9/8, tập trung thảo luận việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến ở mức 6,5 - 7%/năm...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần