Từ ngày 1/7/2025, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi quy định làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định như sau: người lao động trong điều kiện lao động bình thường thì lấy mốc tuổi theo điểm a khoản 1 Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành; hoặc làm ở việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 thì lấy mốc tuổi theo điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc theo điểm c khoản 1 Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo cũng quy định việc tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Theo đó, việc tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thực hiện theo quy định tại các Điều 75, 80 và 81 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Công dân Việt Nam là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng mà mất quốc tịch Việt Nam thì chấm dứt hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.