Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi thói quen của người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính năng của thẻ tín dụng nội địa rất lớn nhưng số lượng người sử dụng chưa xứng với tiềm năng.

Sáng 11/3, báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam".

Quang cảnh hội thảo sáng 11/3
Quang cảnh hội thảo sáng 11/3

Tiện ích lớn

Báo cáo nghiên cứu Hành vi & Thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46%, tuy nhiên đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.

Cũng theo báo cáo này, số lượng người có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao, với 34%. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai, nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng cũng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.

Tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập chính toàn diện ở Việt Nam là hai trong số những trọng tâm mà Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, suốt 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu. Tính đến ngày 30/6/2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp cùng các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành như một mũi tên trúng hai đích: Vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng. Thẻ tín dụng nội địa được thiết kế riêng để phù hợp với thị trường Việt Nam và có ưu đãi tương tự như thẻ quốc tế.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Văn Tuyên cho biết, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này.

Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá. Bài toán đặt ra lúc này là làm cách nào để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, và phổ cập tài chính toàn diện, chuyển đổi số.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngân hàng tạo mọi điều kiện

Tháng 1/2021, Napas phối hợp với các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam ra mắt thẻ tín dụng nội địa. Sản phẩm mang thương hiệu Việt do chính các tổ chức tài chính trong nước triển khai với tiêu chuẩn, công nghệ theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực thanh toán. Thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV, có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro gian lận, giả mạo.

Thẻ phi tiếp xúc thanh toán nhanh, phù hợp thực hiện số lượng giao dịch lớn như giao thông công cộng, giao thông tĩnh, phí đường bộ... Khách hàng không cần phải nhập mã pin khi thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ, đem lại những trải nghiệm thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn.

Về tính năng, khách hàng có thể sử dụng để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ... qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại cửa hàng, siêu thị, quán ăn...; thanh toán mua sắm trực tuyến hoặc rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng trong nước. Với chức năng của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, sản phẩm là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ các tổ chức tài chính, đáp ứng nhu cầu cấp bách về tài chính, góp phần ngăn chặn hình thức tín dụng đen.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận thấy mức biểu phí hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên, giúp tiết kiệm phí cho đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ cũng như ngân hàng phát hành. Qua đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phẩm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Phó Tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh cho hay, trong 2 đến 3 năm gần đây, ngân hàng thay đổi rất nhanh từ quy trình truyền thống sang công nghệ cùng nhiều sản phẩm phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Ví dụ về hồ sơ tín dụng, trước đây khách hàng được đánh giá qua hồ sơ tín dụng rất truyền thống thì hiện nay đã sử dụng chấm điểm tín dụng, không cần dựa trên lịch sử tiêu dùng của khách mà có thể theo những thông tin liên quan. Hiện nay trên thị trường có những xu hướng chính bao gồm: Thẻ thanh toán không tiếp xúc (Contactless) và thẻ phi vật lý (Virtual Card).

Qua đây, ông Nguyễn Quang Minh cũng bày tỏ kỳ vọng về hình thức phê duyệt tín dụng online, bởi hiện nay quy định vẫn còn khó khăn trong việc này. Một xu hướng khác nổi lên hiện nay là thanh toán mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later); Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán. Cuối cùng là eKYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng.

Vì thế, sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành đáp ứng được nhu cầu lớn từ thị trường, đồng thời được coi là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng, tổ chức tài chính. Thẻ tín dụng nội địa cũng được coi là bước đầu tiên trong xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán.

Bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS hiện đã và đang phối hợp với các tổ chức phát hành những loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội.

"Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng toàn diện nhu cầu sử dụng thẻ trong các hoạt động thanh toán của người dân Việt Nam. Chủ thẻ tín dụng nội địa bên cạnh các tích năng vượt trội sẽ được hưởng các ưu đãi đặc quyền cung cấp bởi NAPAS và các ngân hàng, góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng thẻ tín dụng, đẩy mạnh doanh số sử dụng thẻ và góp phần vào thành công của định hướng xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam"- Phó Tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh nói.