Thay đổi thói quen

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàn tiền 20%, giảm giá 50%, 30%, trả góp 0% lãi suất, được tặng các voucher... là những khuyến mãi khủng trong ngày hội không sử dụng tiền mặt được các nhãn hàng, ngân hàng hưởng ứng.

 Khách hàng thanh toán qua QR Code tại siêu thị. Ảnh: Hải Yên
Theo ghi nhận, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt chỉ chiếm 10 - 15% các giao dịch, khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này chủ yếu từ 20 - 30 tuổi. Do đó, Ngày không tiền mặt được kỳ vọng sẽ giúp nhiều người biết thêm các hình thức thanh toán mới, sự tiện lợi của mua sắm không tiền mặt, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Tính đến nay, cả nước có gần 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 76 ngân hàng đã cung ứng dịch vụ Internet banking, 44 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua điện thoại, 24 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... Trong khi đó, theo quyết định của Thủ tướng, đến năm 2020 toàn thị trường có hơn 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán qua các hình thức không dùng tiền mặt...
Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất lớn cho nền kinh tế, đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, huy động thêm vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền và giúp phát hiện các thanh toán phạm pháp. Theo NHNN dù tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 20,3% năm 2004 còn 11,5% trong vòng một năm trở lại đây, nhưng nếu tính theo con số tuyệt đối vẫn lên đến trên 1 triệu tỷ đồng.
Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong phát triển thanh toán không tiền mặt cần các điều kiện như tiện ích vượt trội, lợi ích kinh tế. Ngoài ra, an toàn bảo mật phải đặt lên hàng đầu.
Với tâm thế tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế lớn hay các đơn vị FinTech trong và ngoài nước, các công cụ thanh toán tại Việt Nam trên nền tảng số ngày càng đa dạng như QR code, Zalo Pay, Samsung Pay, M-POS, thẻ chip, ví điện tử và tiến tới là hình thức xác thực thanh toán, như bằng mật khẩu, vân tay hay nhận dạng khuôn mặt...
Để thay đổi thói quen của người dân, cần một giải pháp đồng bộ: hạ tầng kỹ thuật cung ứng dịch vụ thanh toán đã phát triển nhất định, mở rộng phủ sóng tại các tỉnh, TP lân cận, cải thiện quy trình thanh toán... Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm giảm giá tổng số tiền phải trả nếu không dùng tiền mặt đi kèm với giảm phí sử dụng dịch vụ. Việc thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng càng ít tiền mặt cho chi tiêu càng tốt, nhưng an ninh mạng trong trường hợp này sẽ là một vấn đề được quan tâm đối với hầu hết người sử dụng.
Một lộ trình cho Chính phủ hoặc NHNN thực hiện trong tương lai để tăng cường an ninh trong thanh toán, cần bao gồm kế hoạch triển khai bảo mật, ứng dụng công nghệ bảo mật và xác minh dựa trên phân tích rủi ro, trong thanh toán. Khách hàng của các tổ chức tài chính hay ngân hàng có thể được trao quyền tham gia vào việc bảo mật thanh toán thông qua các cảnh báo và kiểm soát số hóa.
Một khi thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi..., người dân sẽ dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt để chuyển sang không dùng tiền mặt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần