Thấy gì nơi “đối thủ” của Sáng kiến Vành đai và Con đường?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã khởi động Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) tại hội nghị thượng đỉnh của họ hồi tháng 6 vừa qua, cam kết 600 tỷ USD tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2027.

Không tránh khỏi so sánh

PGII không hẳn là một sáng kiến mới. Đó là phiên bản “bình mới rượu cũ” của sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) mà G7 từng đề xuất cách đây một năm, với mục tiêu tập trung vào khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng mềm trong nền kinh tế kỹ thuật số...

Các dự án hàng đầu của PGII dự kiến bao gồm tuyến cáp viễn thông ngầm toàn cầu trị giá 600 triệu USD nối Singapore với Pháp qua Ai Cập và vùng Sừng châu Phi; khoản đầu tư 40 triệu USD (và dự kiến huy động 2 tỷ USD đầu tư sau đó) vào Chương trình điện thông minh của Đông Nam Á nhằm đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch; và một dự án năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở miền Nam Angola.

Các nhà lãnh đạo G7 gặp mặt tại Đức, ngày 26/6/2022. Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo G7 gặp mặt tại Đức, ngày 26/6/2022. Ảnh: AFP

PGII được hứa hẹn sẽ tạo nên lực hấp dẫn đáng kể ở Đông Nam Á, khi nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể kỹ thuật số của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi công nghệ của các quốc gia thành viên thành nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số vào năm 2025.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Google, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang trên đà phát triển lên mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính ảo.

Do tính dễ bị tổn thương nghiêm trọng của Đông Nam Á bởi biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng xanh cũng là một lĩnh vực quan tâm khác của khu vực. Các quốc gia ASEAN đã ký Thỏa thuận Paris 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng 2025 đặc biệt ghi nhận sự bổ sung giữa các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc và các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN.

Chính bởi tầm nhìn như vậy, PGII không tránh khỏi việc bị đặt lên bàn cân với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng triệu đô la của Trung Quốc, được khởi động gần 10 năm trước với tư cách là “Con đường Tơ lụa ngày nay” trải dài từ Đông Á sang châu Âu và châu Phi.

Thậm chí, đã có những ý kiến cho rằng PGII có khả năng thay thế BRI, khi các nước G7 và phương Tây nói chung đã nhiều lần tuyên bố tham vọng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Lưu ý về khía cạnh chính trị và hữu hình của PGII, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng sáng kiến sẽ không chỉ “mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người” mà còn cho phép các quốc gia “thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ”.

BRI vẫn thường được mô tả là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng và liên kết các kết nối đường bộ, đường sắt và cảng hàng hải nhằm tạo thuận lợi cho thương mại trên các hành lang kinh tế. Nhưng việc đóng cửa biên giới ở nhiều quốc gia là đối tác của BRI trong đại dịch Covid-19 đã khiến các dự án cơ sở hạ tầng bị đình trệ. Điều này đã thúc đẩy sự chuyển hướng của Trung Quốc từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cứng sang mềm, dẫn đến sự gia tăng tập trung vào Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) và ngoại giao y tế so với Con đường Tơ lụa Y tế (HSR).

DSR được giới thiệu vào năm 2015 để hỗ trợ việc mở rộng và quốc tế hóa các công ty công nghệ của mình, với các khoản đầu tư từ “phát triển lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn như thương mại điện tử xuyên biên giới, thành phố thông minh, y tế từ xa và tài chính internet” để tăng tốc “tiến bộ công nghệ, bao gồm điện toán, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, blockchain và điện toán lượng tử”.

HSR, được liên kết với DSR, đã nổi lên như một phương tiện thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, và ghi dấu đậm nét việc Trung Quốc tham gia vào khu vực Trung Đông và Bắc Phi thông qua ngoại giao y tế và vaccine.

Cạnh tranh thúc đẩy phát triển

Cả hai sáng kiến PGII và BRI được nhận định đều sẽ đối mặt với những thách thức trong quản trị và điều chỉnh các quy định địa phương ở các nước tiếp nhận. Ở đây, cách tiếp cận của Trung Quốc tưởng chừng có thể mang lại lợi thế cho BRI. Là một trong những dự án quốc tế tham vọng nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, BRI được hưởng lợi từ các quy trình đơn giản của một chính quyền trung ương mạnh về chính sách và nguồn lực.

Nhưng trên thực tế, các “người chơi” Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức trên thực địa, và phải thay đổi để thích nghi với điều kiện địa phương, cũng như phải lưu tâm hơn đến chính trị địa phương. Các khoản đầu tư vốn tăng lên có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với các quốc gia sở tại, bao gồm cả việc làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa các tầng lớp quyền lực ở cấp độ vi mô.

Mặt khác, cách tiếp cận của phương Tây đối với các khoản đầu tư có xu hướng áp dụng chính thức hơn một bộ quy tắc thống nhất ở 3 cấp độ hợp tác quốc tế hoặc song phương, quy định trong nước và các giao dịch tư nhân, có thể trở thành một thế mạnh vì nó có tiềm năng xây dựng cách tiếp cận thống nhất, phổ biến hơn đối với các tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng toàn cầu do PGII tài trợ.

Nhưng nếu không xây dựng cấu trúc từ trên xuống giống như BRI, PGII sẽ cần huy động cả nguồn lực công và tư nhân từ 7 quốc gia. Điều này có thể trở nên phức tạp, khi mà đến nay vẫn chưa rõ các quốc gia G7 sẽ chia sẻ rủi ro và trách nhiệm như thế nào, cũng như mức độ đồng thuận về các chỉ số đo lường thành công.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém là liệu PGII sẽ là một sáng kiến chủ yếu do Mỹ lãnh đạo, hay là một vấn đề chung của G7. Đã có những lo ngại về việc PGII có thể trở thành công cụ của Washington trong việc triển khai quyền lực mềm ở nước ngoài.

Nhìn chung, vẫn còn quá sớm để nói liệu PGII có thể chống lại BRI như một mô hình phát triển tương phản hay không. Nhưng khi PGII thúc đẩy để giành được mục tiêu, BRI chắc chắn cũng sẽ không dẫm chân tại chỗ. Môi trường cạnh tranh nóng lên có thể là điều cần thiết để khuyến khích Bắc Kinh thúc đẩy nhiều cải cách, tăng cường chất lượng của các dự án đầu tư hiện có và cải cách thể chế và chính sách trong hai lĩnh vực cụ thể - công nghệ mới nổi và tài chính xanh.

Thông qua Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035, Bắc Kinh có tham vọng thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ truyền thông tiên tiến. Đối với Trung Quốc, BRI đã đóng vai trò như một phương tiện giúp các công ty của họ cạnh tranh hơn với các đối thủ Mỹ và các đối thủ khác trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ.

Một ví dụ điển hình là Tài chính Phát triển Xanh (GDF), do Liên minh Phát triển Xanh Quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRIGC) phát triển. Mục tiêu chính của GDF là khuyến khích các nhà tài chính và nhà phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tự nguyện lựa chọn các dự án BRI có rủi ro môi trường thấp.

Tóm lại, sự xuất hiện của PGII rất có thể là một sự tham gia tích cực đối với quản trị toàn cầu, khi kết quả không nhất thiết dẫn đến sự phân chia hơn nữa của thế giới theo các mặt đối lập. Thay vào đó, nó có tiềm năng mở đường cho sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững hơn nữa trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần