Thấy gì trong "thông điệp" của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về quy định mới trong phòng chống dịch Covid-19?

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong công điện mới nhất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, các giải pháp mạnh mẽ được đưa ra cao hơn mức Chỉ thị 15 nhưng không phải giãn cách xã hội như Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Cần phải khẳng định, Công điện mới của Chủ tịch Hà Nội không phải là chỉ đạo thực hiện giãn cách như Chỉ thị 16 ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam (phong tỏa cả tỉnh, thành phố).
Các biện pháp phòng dịch được thực hiện cao hơn so với Chỉ thị 15 của Chính phủ, nhưng không phải thực hiện giãn cách xã hội. Tất cả các chỉ đạo mới nhất đều hướng tới mục tiêu cao nhất mà TP Hà Nội đã đặt ra trước đây là "đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe của người dân" và như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đây là công việc trước hết, trước tiên…
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đông Anh
Với tình hình thực tế như Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá khi trao đổi với báo chí sáng 19/7 là "tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội đang rất cấp thiết khi những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó một số ca chưa xác định được nguồn lây" thì giải pháp cấp bách hiện nay là "khóa chặt" bên trong để nhanh chóng khoanh vùng dịch và biện pháp đầu tiên mà Hà Nội đặt ra như trong Công điện 15 của Chủ tịch Hà Nội là:
"Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…" – chỉ đạo nêu rõ "yêu cầu".
Chỉ đạo này đã nêu rõ không có chuyện phong tỏa, người dân chỉ được ở nhà, mà các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì, công sở, bệnh viện vẫn phục vụ người dân (ở các chỉ đạo, công điện trước đó, Hà Nội yêu cầu tuyên truyền vận động người dân chỉ ra khỏi nhà lúc cần thiết).
Hà Nội cũng nhấn mạnh "không ngăn sông cấm chợ", hàng hóa thiết yếu được lưu thông, giao thương với các tỉnh khi đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Thực tế, trong chiều 18/7, Sở Công Thương đã họp khẩn với các đơn vị bán hàng, và hàng hóa cho nhân dân luôn đủ đầy, không có chuyện thiếu thốn như ở một số địa phương. Cùng với đó, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh tiếp tục hoạt động đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, do vậy người dân không cần lo lắng thiếu hàng hóa, hay lo ngại các cửa hàng tăng giá thực phẩm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo mới của Chủ tịch Hà Nội khác với các chỉ đạo trước đây đó là: "Đối với với các cơ quan, công sở của Thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức".
Nội dung này được Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung đồng tình, ủng hộ trong phiên họp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP Hà Nội sáng 19/7, đồng thời bày tỏ: “Hà Nội có thể yêu cầu số lượng nhân viên đến cơ quan công sở giảm hơn nữa”.
Cũng tại phiên họp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP Hà Nội sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Hà Nội thực hiện quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phòng chống Covid-19.
Tại phiên họp, các Bộ trưởng cũng bày tỏ “hoàn toàn ủng hộ” với các biện pháp “siết chặt” trong Công điện của UBND TP Hà Nội, và mong muốn Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát để công điện được thực hiện nghiêm.

Các bộ trưởng cũng ghi nhận, đánh giá cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố Hà Nội trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả phát huy vai trò và sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhìn nhận: “Hà Nội là thành phố 10 triệu dân mà kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện nay là quá tốt”.

Theo các chuyên gia, với đặc trưng lây lan nhanh của chủng virus mới, đây là "thời điểm vàng" để Thủ đô nhanh chóng kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. Những giải pháp cần làm ngay đã được đưa ra. Mọi cách làm đều hướng đến người dân tuy nhiên nếu không có sự chung tay, ủng hộ của người dân thì rất khó để thành công.

Vì vậy, trong công điện mới nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Đề nghị Nhân dân Thủ đô tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng để tiếp tục kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân và cộng đồng khi ra ngoài. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết trong mọi tình huống; chủ động ngay từ cơ sở và sự đồng thuận của Nhân dân quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch của thành phố".
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng tiếp tục nhấn mạnh và kêu gọi Nhân dân Thủ đô tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của thành phố; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng để tiếp tục kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh...
Trong bối cảnh hiện nay, khi bản đổ dịch bệnh trên cả nước đang liên tục "nhảy số", công điện với các giải pháp cụ thể để phòng chống Covid-19 của Thủ đô đang được thực hiện được đánh giá là khoa học, khả thi và được đưa ra từ những căn cứ khoa học; những mối nguy đã được xác định từ trước.
Quan trọng nhất hiện nay là mỗi người dân cần thật sự xác định rõ đây là thời điểm quyết định, không thể lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cùng giữ vững mỗi "pháo đài" chống dịch là chính gia đình mình và cho cả cộng đồng, xã hội... Có như thế, dịch bệnh mới sớm được đẩy lùi và cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần