Gia hạn “tuổi thọ” cho đầu máy toa xe hết niên hạn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Nghị định số 01/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt thực hiện như sau: Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023; các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024; các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025; các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 01/01/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.
Được biết, lộ trình trên được Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi như sau: Các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt nhằm hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện khó khăn không có nguồn vốn đầu tư, tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt sắp hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn, cần có giải pháp tháo gỡ theo hướng kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Về thời gian kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt, GTVT cho biết, theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), tháng 10/2025 trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027.
Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Vì vậy, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được 3 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới.
Cần thiết để đảm bảo sản xuất
Các chuyên gia cho rằng, việc kéo dài niên hạn sử dụng tàu đường sắt là cần thiết trong bối cảnh ngành đường sắt đang có hơn 1.700 đầu máy, toa tàu quá niên hạn sử dụng. Cụ thể, theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện đơn vị có 58 đầu máy và 163 toa tàu khách trên 40 năm tuổi, cùng 1.491 toa tàu hàng trên 45 năm tuổi.
Theo quy định hiện hành, hơn 1.700 đầu máy và toa tàu này sẽ phải loại bỏ do quá niên hạn sử dụng. Tới năm 2025, số phương tiện hết niên hạn sẽ tăng thêm khoảng 114 đầu máy, 168 toa tàu khách, 1.472 toa tàu hàng và tiếp tục tăng những năm sau đó. Riêng với đầu máy, tới năm 2025, đường sắt chỉ còn 144 chiếc còn hạn dùng, tới năm 2035 còn 118 chiếc, tới năm 2045 còn 61 chiếc.
Trong thời gian quan, VNR đã không ít lần kiến nghị các cấp ngành xem xét, cho phép gia hạn sử dụng đầu máy, toa tàu theo luật đã hết niên hạn nhưng thực tế vẫn sử dụng tốt. Trong bối cảnh ngành đường sắt khó khăn hiện nay, việc đầu tư phương tiện mới thay thế số đã cũ ít có khả năng thực hiện được, nhất là khi phải cần đến khoảng 10.000 tỷ đồng.
GS.TS Đỗ Đức Tuấn – Trường Đại học GTVT cho rằng, nếu như ngành đường sắt được phép kéo dài niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thì ngành đường sắt và các cơ quan liên quan phải đặc biệt chú trọng đến quy trình, quy tắc. “Có thể tạm nói là chúng ta phải giám sát đặc biệt hơn nữa đối với những phương tiện đầu máy toa xe đã được kéo dài niên hạn sử dụng” – GS.TS Đỗ Đức Tuấn nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, để đảm bảo việc giám sát đặc biệt đối với các đầu máy, toa xe kéo dài niên hạn sử dụng, ngành đường sắt có thể mời cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt… xuống tận hiện trường để đánh giá xem những đầu máy, toa xe kia có đủ đảm bảo yêu cầu đưa ra khai thác khi đã hết niên hạn sử dụng hay không.
Đồng quan điểm trân, GS.TS Lã Ngọc Khuê – nguyên Chủ tịch Hội Kỹ thuật đầu máy toa xe Việt Nam cho rằng, việc kéo dài niên hạn đầu máy toa xe là việc làm rất hợp lý, hợp tình và phải làm để thảo gỡ cho sản xuất. “Bây giờ chỉ cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định cũng như xem xét lại các tiêu chuẩn kỹ thuật xem đã đúng đắn chưa. Nếu chưa đúng đắn thì phải sửa đổi còn đúng đắn rồi thì việc thực hiện phải như thế nào” – GS.TS Lã Ngọc Khuê nói.
Các chuyên gia cũng không quên nhấn mạnh rằng, việc kéo dài niên hạn đầu máy toa xe chỉ là giải pháp tình thế, và cấn phương án lâu dài hơn trong tương lai. “Trong tương lai cần kiến nghị thêm với Nhà nước phải có định hướng đầu tư để bổ sung nguồn phương tiện đầu máy toa xe. Bởi nếu không đầu tư, vài năm nữa thôi số lượng đầu máy toa xe cứ giảm dần, khi đó chũng ta sẽ càng ngày càng thiếu hụt” - GS.TS Đỗ Đức Tuấn nói.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải khẩn trương tổ chức xây dựng và thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa rút ngắn chu kỳ sửa chữa, thay thế các bộ phận quan trọng nếu không đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (như khung giá chuyển hướng, trục bánh xe của các phương tiện) đặc biệt là toa xe khách, đầu máy kéo chính tuyến sử dụng trên 40 năm theo quy định của nhà sản xuất – Bộ GTVT