70 năm giải phóng Thủ đô

Thầy giáo ra đề Sinh học giống 80% đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lên tiếng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin dư luận về việc nội dung kiến thức trong 2 buổi tổng ôn môn Sinh học giống đến 80% đề chính thức- kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, “tác giả” của buổi tổng ôn- thầy Phan Khắc Nghệ đã lên tiếng.

32/40 câu trong buổi tổng ôn môn Sinh giống đề chính thức
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) chia sẻ, ngay sau khi kết thúc thi THPT 2021 đợt 1, thầy cùng các giáo viên và phần lớn HS đều nhận định đề thi môn Sinh học thuộc tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) năm nay phân hóa rất tốt, điểm 9-10 sẽ không dễ đạt được, điều này cho thấy sự thành công của Bộ GD&ĐT nói chung và hội đồng ra đề thi môn Sinh nói riêng.
Tuy nhiên, sau đó trên mạng xã hội râm ran việc nhiều HS “trúng tủ” vì ôn theo thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
 So sánh về sự giống nhau giữa đề tổng ôn của thầy Nghệ và đề Sinh chính thức
Thầy Hiền cho hay: Khi xem lại tài liệu và 2 video của buổi LIVE tổng ôn cuối cùng ngay sát trước ngày thi chính thức 8/7/2021 của môn KHTN (bao gồm một video Củng cố lý thuyết trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và một video chữa đề số 40 trong Khóa luyện thi VIP ngày 7/7/2021); so sánh mã đề chẵn và lẻ của đề thi thật và những tài liệu của thầy Phan Khắc Nghệ thì thấy sự tương đồng giữa đề của thầy Nghệ và đề thi chính thức, tỉ lệ tương đồng/tương tự tới 80% (32/40 câu)”.
Theo thầy Hiền, việc giống đề này còn kinh ngạc hơn khi không chỉ về nội dung dạng chữ thì còn có nhiều hình vẽ không có trong sách giáo khoa (SGK) cũng gần như y hệt.
“Với một tỉ lệ “đoán đề” cao như vậy, những HS ở mức 6-7 có thể dễ dàng nâng lên được điểm 9-10 chỉ trong vòng một vài ngày. Điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến điểm chuẩn của khối ngành Y dược bởi HS thi môn Sinh phần lớn có mục tiêu vào các trường Y dược, điểm chuẩn cao, chỉ tiêu rất ít, bản thân mỗi HS phải trải qua học tập khổ cực 3 năm liền mới đạt được, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha mẹ và các em trong từng trang vở”- thầy Hiền bày tỏ.
Thầy Hiền “hy vọng sự trùng hợp quá lớn này chỉ là một sự ngẫu nhiên để tính công tâm của một kì thi được đảm bảo”; và nếu ở chiều ngược lại, “có cần thành lập 1 hội đồng thẩm định sự trùng hợp này hay không?”.
Bí quyết đoán trúng đề “nằm ở sự tận tâm và liên tục nghiên cứu”?
Hồi đáp lại ý kiến của thầy Đinh Đức Hiền, trên trang cá nhân của mình, thầy Phan Khắc Nghệ bày tỏ: “Trong quá trình ôn thi, với bao năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và ra đề thi, tôi luôn bám sát hướng dẫn giảng dạy hàng năm của Bộ, đề tham khảo của Bộ, phủ kín kiến thức kỹ năng giới hạn và “cày” kĩ phần ôn tập để HS đạt điểm dưới 7, sau đó mới mở rộng và nâng cao những câu hỏi phân loại để các em chinh phục điểm 10”.
Theo thầy Nghệ, những buổi ôn tập cuối cùng luôn là buổi học mà giáo viên dành hết công lực để bao vây kiến thức, loại trừ và cô đọng trọng tâm nhất nhằm mong sao trúng càng nhiều nội dung càng tốt, HS điểm càng cao càng tốt. Chính vì vậy, năm nào thầy cũng đưa ra các đề chống liệt để giúp HS trên cả nước vượt qua điểm 5 của môn Sinh học. Năm nay, thầy Nghệ đưa ra 6 đề chống liệt, dạy trực tiếp miễn phí trên trang cá nhân, đăng lên cả youtube.
 Thầy Phan Khắc Nghệ lên tiếng về lý do đề tổng ôn giống đề tốt nghiệp môn Sinh học (Ảnh: FB Phan Khắc Nghệ)
Trước băn khoăn việc đề tổng ôn cuối cùng của thầy Nghệ có tới gần 80% nội dung trùng đề thi chính thức của Bộ, thầy Nghệ khẳng định: “Có một số câu trúng y nguyên (đây là những câu được ghi rõ trong SGK, ở mức nhận biết kiến thức), một số câu thì có nội hàm tương tự nhau; một số câu khi thầy Nghệ giảng bài và mở rộng kiến thức thì nội dung thầy Nghệ mở rộng bao phủ phần kiến thức đó nó có phần gần gần giống với nội dung kiến thức mà câu hỏi đặt ra trong đề thi”.
Thầy Nghệ giải thích thêm: Đề thi cũng phát triển từ nội dung SGK, thầy Nghệ giảng bài cũng phát triển kiến thức SGK nên dẫn đến việc giống nhau.
Về việc 3 hình vẽ trong tổng ôn và đề chính thức cũng giống nhau, thầy Hiền hồi đáp: “Hình vẽ về thực hành hô hấp của thực vật thì đó là hình của SGK, thầy cô nào cũng dạy và đề thi liên tục có 1 câu thực hành, mà năm 2020 đã thi về thực hành động vật thì năm 2021 đương nhiên sẽ suy ra khả năng cao là thi về thực hành thực vật (thực hành thực vật, có duy nhất 2 bài trong SGK, trong đó 1 bài đã thi, vậy năm nay đương nhiên thi bài còn lại….”.
Về hình ảnh của các đảo ở câu tiến hóa, thì thầy Nghệ tham khảo từ đề thi thử của tỉnh Nghệ An (tỉnh Nghệ An có đề thi chất lượng, nên thầy Nghệ luôn nghiên cứu kĩ những câu hỏi mới mẻ để phát triển và dự đoán đề). Về hình vẽ mô tả diễn thế sinh thái thì đề của thầy Nghệ không hề có. Khi giảng bài và phân tích câu hỏi của kiến thức về diễn thế sinh thái, thầy Nghệ đưa ra các tình huống vận dụng mà đề thi có thể hỏi, trong đó hình vẽ đồ thị là một kiểu vận dụng; và hình mô phỏng khi thầy Nghệ giảng bài nó gần giống y nguyên hình mà đề thi ra - đây chính là cùng logic tư duy phát triển một khái niệm có trong SGK.
Như vậy, “toàn bộ nội dung mà thầy giáo Đinh Đức Hiền băn khoăn đều là nội dung kiến thức ở mức cơ bản (có các câu hình vẽ là ở mức vận dụng thấp nhưng nguồn tham khảo rất rõ ràng)” - thầy Nghệ đáp.
“Liên tục từ khi tham gia luyện thi đến nay, khi rời khỏi phòng thi thì năm nào HS của thầy Nghệ cũng làm tốt bài thi. Bí quyết nằm ở sự tận tâm và liên tục nghiên cứu sâu hướng dẫn giảng dạy, đề tham khảo của Bộ và cô đọng, loại trừ những kiến thức đã thi trong 2 năm trước đó” - thầy Nghệ luận giải về việc vì sao có tỷ lệ đoán trúng đề thi cao và điểm thi của HS tốt như vậy.
Được biết, cùng với việc thắc mắc của mình, thầy Đinh Đức Hiền đã gửi lên Bộ GD&ĐT và nhận được phản hồi rằng Bộ đã nắm được sự việc; đồng thời đang cùng các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.