Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy hiệu trưởng mê lan

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là Hiệu trưởng của Trường THCS Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm nhưng thầy giáo Đặng Trần Hùng lại được giới chơi lan trên địa bàn Hà Nội và cả nước biết đến nhờ sưu tầm được nhiều giống lan quý hiếm. Đến nay, khu vườn của thầy Hùng có đến hàng trăm giống lan, trong đó riêng giống lan Phi Điệp đã có tới hàng trăm mặt bông nổi tiếng.

 Thầy Hùng giới thiệu các giống lan quý

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hùng cho biết, Phù Đổng là một trong những vùng quê có bề dày văn hóa của huyện Gia Lâm, gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã có thú chơi hoa, cây cảnh và biến thú chơi này thành một nghề truyền thống.
Từ những năm 1980, cha của thầy Hùng (cũng là một nhà giáo) đã có nghề trồng cây cảnh, và cùng một nhóm các cụ về hưu đứng ra khởi xướng phong trào sinh vật cảnh ở xã Phù Đổng. Từ đó, cùng sự phát triển của quê hương, nghề sinh vật cảnh trở thành nghề làm giàu cho nhiều gia đình, cung cấp cho thị trường các loại hoa giấy, cây cảnh, cây bóng mát…
Trước đây, gia đình thầy Đặng Trần Hùng đã từng trồng hoa lan để thưởng ngoạn, không có mục đích làm kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn, trong khi nguồn lan rừng ngày càng cạn kiệt, thầy Hùng đã nảy ra ý định gây dựng một vườn lan, vừa để bảo tồn các giống lan quý, vừa để phục vụ thú chơi và cung cấp cho thị trường.
Năm 2017, thầy Hùng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng vườn lan 2 tầng tại sân nhà với tổng diện tích hơn 300m2. Để có nhiều giống lan quý, thầy Hùng đã đến nhiều làng trồng lan nổi tiếng ở Hà Nội và các tỉnh để sưu tầm. Sau một thời gian vừa sưu tầm, vừa trao đổi, vừa áp dụng tiến bộ KHKT để nhân giống, đến nay vườn lan nhà thầy đã có tới cả nghìn gốc lan với hàng trăm giống khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Chỉ riêng giống lan Phi Điệp đã có tới hàng trăm mặt bông nổi tiếng như: Hồng Hòa Bình, Hồng Xòe, Củ Chi, Long Điền, Hoa Lư, Núi Chúa…
 Một số loại lan quý trong khu vườn của thầy Hùng
Thầy Hùng cho biết, ngày xưa lan là giống hoa quý, chỉ phục vụ vua, quan. Nhưng hiện nay, ai cũng có thể sở hữu một chậu lan trong nhà. Vì thế, trong vườn nhà thầy Hùng có đủ các loại lan phục vụ các đối tượng khác nhau, với giá bán từ 100 – 200 nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng/chậu (đối với dòng lan đột biến). Khách hàng của thầy đến từ hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.
Năm vừa qua, với các dòng lan bình dân, doanh thu từ vườn lan của thầy Hùng đạt khoảng 300 triệu đồng. Dự kiến trong năm tới, khi các dòng lan cao cấp có thể xuất bán, doanh thu từ vườn lan của thầy Hùng sẽ đạt tiền tỷ. Ngoài hoa lan, gia đình thầy Hùng vẫn tiếp tục phát triển các loại bonsai và hoa giấy. Bên cạnh các loại bonsai lâu năm, nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, thầy mở rộng sang cả bon sai mini với giá rất bình dân.
Những ngày cuối năm chuẩn bị đến Tết Nguyên đán 2019, hầu như ngày nào nhà thầy Hùng cũng có khách hàng từ các tỉnh, thành tìm đến mua lan. Anh Chính - một khách hàng ở Hà Nam phấn khởi cho biết, vườn lan nhà thầy Hùng rất phong phú về chủng loại, đặc biệt có nhiều giống lan quý. Qua facebook và các hội chơi lan trên cả nước, anh đã biết vườn lan này và tìm đến mua được 2 gốc rất ưng ý.
Theo đánh giá của những người chơi lan, vườn lan của thầy Hùng là vườn lan lớn nhất ở xã Phù Đổng và là một trong số ít vườn lan có quy mô lớn trên địa bàn huyện Gia Lâm và TP Hà Nội.