Thấy người ăn khoai…

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các đội bóng ở Việt Nam đua nhau mở Học viện bóng đá rất đáng để luận bàn. Người thì bảo, việc các đội bóng chú tâm vào đào tạo cầu thủ trẻ là tin vui cho nền bóng đá.

Nhưng, nếu vì cái tiếng chịu chơi, vì coi đây là cơ hội để các doanh nhân làm thương hiệu thì rất khó để có được một cuộc cách mạng triệt để về công tác đào tạo trẻ.

Thực ra thì sau khi bầu Đức thành lập Học viện bóng đá, có rất nhiều doanh nhân khác cũng úp mở về kế hoạch hợp tác với những gã khổng lồ trong làng bóng đá thế giới. Nhưng rút cuộc thì đến lúc này, vẫn chưa có học viện bóng đá nào được thành lập. Thậm chí, người ta còn nói trắng ra rằng, việc các đội bóng tuyên bố mở học viện chẳng qua là nhằm hướng đến những mảnh đất vàng. 

Bên cạnh những toan tính về kinh tế thông qua việc được cấp những miếng đất trị giá cả trăm tỷ đồng thì người ta cũng tính đến tính khả thi của các “đại dự án”. Đơn giản bởi, để thành lập một học viện bóng đá thật chẳng đơn giản chút nào. Bên cạnh một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại thì đòi hỏi các đội bóng phải có được nguồn tài chính dồi dào và bền vững.Theo thống kê, trong một năm, bầu Đức đã bỏ ra số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để duy trì Học viện bóng đá. Khoản tiền này được chi cho công tác tuyển chọn cầu thủ vốn được tiến hành khắp nước với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tiền ăn cho các VĐV cũng lên đến cả chục tỷ đồng. Ít người biết rằng, ở Thái Lan cũng từng có một học viện bóng đá theo mô hình của bầu Đức. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, các nhà đầu tư đã phải bỏ của chạy lấy người vì không đủ sức duy trì hoạt động của nó. Thế nên, trong bối cảnh mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm chi tiêu, các đội bóng lâm vào tình trạng nợ lương thưởng thì những kế hoạch rình rang về đào tạo trẻ đang bị đặt dấu hỏi về tính khả thi. 

Cổ nhân có câu, thấy người ăn khoai cũng mác vai đi đào. Bóng đá Việt Nam chỉ thật sự phát triển nếu mỗi hoạt động được tiến hành xuất phát từ sự thai nghén về tư duy và khả năng thực tế chứ không phải những cơn say chốc lát. Bởi, nói cho cùng, bóng đá là cuộc chơi vô cùng tốn kém và kén người chơi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần