Thay thế biện pháp chôn lấp lạc hậu tại bãi Nam Sơn: Liệu có phải... chờ?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 20 năm đi vào sử dụng, việc duy trì hoạt động ổn định của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bây giờ được ví như chuyện một gia đình nghèo luôn phải chạy ăn từng bữa, ăn bữa nay không biết ngày mai ăn gì…

Và trong hoàn cảnh đó, việc lựa chọn một phương pháp xử lý rác thải mới, hiện đại nhằm thay thế biện pháp chôn lấp lạc hậu mà bãi Nam Sơn đang thực hiện là một nhu cầu tất yếu.

Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Công Trình
Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Công Trình

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn TP phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, phần lớn lượng rác thải được xử lý theo phương pháp chôn lấp.

Tuy nhiên, như đã biết, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, bãi rác Nam Sơn – bãi rác lớn nhất Thủ đô, trong những năm gần đây thường xuyên rơi vào tình cảnh thiếu diện tích chôn lấp, thiếu khu vực chứa nước rỉ rác… Mặc dù đến thời điểm này, những vướng mắc trên đã được TP Hà Nội từng bước khắc phục, đủ điều kiện tiếp nhận rác an toàn ít nhất đến hết năm 2022.

Điều đáng bàn là lượng rác tồn đọng với khối lượng lớn trong hàng chục năm qua đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống, sức khỏe của người dân trong khu vực. Không chỉ gây mất VSMT, sự tồn tại của bãi rác Nam Sơn với công nghệ lạc hậu đã và đang khiến TP phải bỏ ra một nguồn ngân sách không hề nhỏ để thực hiện các dự án di dân, các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân xung quanh.

Vì thế, việc TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý với công suất 4.000 tấn rác/ngày, năm 2017, là một thông tin vui đối với người làm công tác môi trường và Nhân dân Thủ đô. Với công suất này, có thể nói khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý sẽ là lời giải cho công tác xử lý rác thải trên địa bàn TP.  Sau nhiều năm triển khai xây dựng cùng nhiều lần xin lùi tiến độ, thông tin dự án này sẽ vận hành trong trung tuần tháng 7 được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ đại diện nhà đầu tư dự án, vẫn còn một số vướng mắc liên quan trong đó có việc đấu dây để tiếp nhận nguồn điện của nhà máy vẫn chưa được thực hiện. Chính vì thế câu hỏi bao giờ nhà máy Thiên Ý chính thức hoạt động có thể vẫn... phải tiếp tục chờ. Còn người dân Thủ đô vẫn hàng ngày mong ngóng nhà máy Thiên Ý đi vào hoạt động, họ không còn phải canh cánh nỗi lo... nhận được thông báo "tạm dừng thu gom rác trong... vì... "nhưng không rõ họ còn phải chờ đến bao giờ...?

Nói như vậy là bởi, trong thời gian qua, lần lượt từ bãi rác Nam Sơn đến bãi rác Xuân Sơn – 2 bãi rác lớn nhất Thủ đô, thỉnh thoảng lại phải dừng hoạt động trong ít ngày do lo ngại những sự cố môi trường có thể xảy ra khi các bãi rác gần hết khả năng lưu chứa rác, nước rỉ rác. Mặc dù, đến thời điểm này, những hiểm nguy từ sự quá tải của bãi rác Nam Sơn nói riêng và công tác thu gom, xử lý rác thải ở Thủ đô đã từng bước được xử lý.

Thế nhưng, dù đã được từng bước khắc phục nhưng xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp vẫn là phương pháp lạc hậu, vẫn tốn diện tích chôn lấp, vẫn cần khu vực lưu chứa nước rỉ rác. Thế nên, về lâu về dài đây vẫn là “quả bom” sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó, hơn lúc nào hết, các đơn vị chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nói chung và Dự án nhà máy Seraphin (tại bãi Xuân Sơn), ổn định công tác xử lý rác thải, góp phần xây dựng Thủ đô luôn sạch- đẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần