Nhưng tôi ấn tượng, tôn kính là bậc thầy của cải cách giáo dục, có 2 người: Một là thầy Trần Ngoạn, thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường vừa học vừa làm – Trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, người đã dìu dắt tôi nửa chặng đường đầu. Hai là thầy Văn Như Cương – Hiệu trưởng đầu tiên của trường THDL - THPT Lương Thế Vinh, người dìu dắt tôi đoạn đường tiếp theo.
Khi về Hà Nội, tôi nghĩ nơi có bề dày giáo dục hàng ngàn năm nay dễ gì có ai dám thay đổi. Nhưng tôi đã lầm! Giữa nơi có biết bao đường lối, chủ trương, phương pháp giáo dục kiên cố như thành trì; giữa lúc người ta còn đang loay hoay cải tiến trường công chưa ngã ngũ, có một ngôi trường mới ra đời: Trường PTDL Lương Thế Vinh! Người ta bàn tán ra vào nhiều lắm. Còn tôi, như một quan sát viên không dễ tính, lặng lẽ chứng kiến từng bước đi của trường. Dẫu vậy, ngay từ những ngày đầu ấy, tôi đã hết sức khâm phục người sáng lập ra ngôi trường đó: không “quảng cáo”, không lớn tiếng tuyên ngôn “thực nghiệm”, “cải cách”, “đổi mới”, anh cứ lẳng lặng làm, hì hục làm và kéo thầy, trò toàn trường bằng tấm gương “miệng nói, tay làm” của chính mình. Thế mà, hơn tất cả các thực nghiệm khác, Lương Thế Vinh tồn tại sừng sững.
Sau nhiều năm, trước khi về trường dạy học, tôi đã hiểu ra, anh thành công vì anh là một nhà giáo dục thực tiễn. Không chỉ đạo bất cứ hoạt động giáo dục nào của trường, anh cũng có một cơ sở lý luận giáo dục khoa học đầy sáng tạo. Nhưng anh không lý luận suông, không tỏ ra “uyên bác”, mà biến lý luận thành chương trình hành động khoa học, hợp lý và thiết thực. Ví như, khi tôi ở Sở GD&ĐT về kiểm tra trường, tôi rất chú ý tìm hiểu chủ trương của anh: Chỉ đạo chuyên môn phải đảm bảo nguyên tắc giáo dục toàn diện; nhưng đồng thời phải linh hoạt trong dung lượng, độ đậm nhạt của nội dung kiến thức, thời gian thực hiện các bộ môn có sự linh hoạt hợp với phân phối thời gian trong năm học. Hồi đó tôi có dự giờ của một giáo viên dạy văn lớp 9, phát hiện anh thay đổi trật tự chương trình của Bộ GD&ĐT. Hỏi, thì anh giải thích, thay đổi để phục vụ Tập làm văn tự sự. Trường Lương Thế Vinh chỉ so chương trình vào giữa học kỳ và cuối kỳ (thời điểm nhà trường kiểm tra chất lượng bộ môn chung), còn giáo viên tự chủ chọn con đường đi tới đích hiệu quả nhất. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: Thật tuyệt! Khi nào có điều kiện tôi sẽ xin về đây dạy học.
Và cơ hội đó đã đến khi tôi được nghỉ hưu. Hơn 15 năm dạy học tại Lương Thế Vinh, tôi học được bao nhiêu điều từ người thầy, người anh cả của giáo viên toàn trường. Anh luôn dìu dắt chúng tôi yêu thương học sinh để giáo dục và dạy dỗ các em nên người, và chính anh là tấm gương tuyệt vời về mặt này. Đọc “Bức thư gửi thầy” của các em 9V2 viết hôm tiễn biệt thầy, tôi không cầm được nước mắt: “Hàng nghìn con hạc chúng con gửi thầy, rồi bỗng một hôm chúng con nhìn lên tầng 2 của trường, một ông Bụt hiền từ hiện ra tươi cười nhìn chúng con!... Con không được trực tiếp học thầy, nhưng những công thức toán hình của Thầy con không bao giờ quên!... Con ước gì nước mắt của các cô giáo và của chúng con níu được thầy ở lại….”.
Tôi tâm sự với các em mới biết, mỗi em in đậm một hình ảnh thầy trong tim vì các em luôn nhớ, hôm các em 6V2 mới vào trường thầy Văn Như Cương đến thăm các em. Còn với chúng tôi, những người đứng lớp, anh căn dặn: Không có học sinh yếu kém, chỉ có những em chưa chăm, hoặc do các em chưa được rèn cách học, cách tư duy chu đáo, phải thật kiên nhẫn và sáng tạo trong cách dạy.
Năm tôi mới vào trường dạy, một giáo viên dạy toán lớp tôi luôn ca ngợi những cuốn sách bài tập Toán của thầy Văn Như Cương. Thầy có những cách gợi mở thật khéo, luôn có tác dụng dẫn dắt học sinh tự khám phá. Như mỗi giáo viên, học sinh trường Lương Thế Vinh, kỷ niệm về thầy Văn Như Cương thật không sao kể hết được. Tâm sự vài kỷ niệm nhỏ này về anh, tôi muốn tâm niệm rằng: Anh là tấm gương sáng về cải cách giáo dục, về tình thương yêu học sinh.
Anh đã đi xa, nhưng sự nghiệp cải cách giáo dục anh xây, phương pháp giảng dạy tiên tiến anh dạy, tình yêu thương học sinh anh để lại, có bao giờ đi xa! Trường Lương Thế Vinh sẽ mãi mãi phát triển bền vững, anh ạ!