Thế "chân vạc" và cơ hội bứt phá của khu Đông!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt những điều chỉnh đồ án quy hoạch thời gian gần đây cho thấy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang có định hướng không gian phát triển về khu Tây Bắc thành phố. Động thái này vô hình chung xác lập "thế chân vạc" trong thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh.

Thị trường xác lập "thế chân vạc"

Theo Đồ án quy hoạch chung của TP Hồ Chí Minh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào các năm 1993, 1998 và 2010, hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh được xác định là khu vực phía Đông và phía Nam (bao gồm khu vực phía Đông Nam thành phố). Bởi, đây là địa bàn có nhiều lợi thế đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu sự đồng bộ.

Trên thực tế, cùng với định hướng không gian phát triển được thể hiện trong đồ án quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng, các khu đô thị mới, khu dân cư... cũng được đầu tư tập trung tại hai khu vực này.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, qua thực tế, việc định hướng phát triển tập trung vào hai khu vực nói trên, nhất là đối với khu Nam đang phát sinh những vấn đề khó giải quyết.

Dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng ngập lụt cục bộ sau những cơn mưa lớn, hay như tình trạng kẹt xe kéo dài trên những cửa ngõ ra vào thành phố từ phía Nam... Thực tế này khiến các nhà quản lý và làm chính sách - quy hoạch buộc phải xem xét lại định hướng quy hoạch khu vực này.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh vốn là vùng trũng, về nguyên lý đây phải là khu vực chứa, thoát nước. Khi phát triển đô thị tại khu vực này hiển nhiên một phần không gian thoát nước sẽ bị thu hẹp. Vì vậy, nếu không xử lý tốt hệ thống thoát nước, tình trạng ngập úng sẽ càng thêm trầm trọng.

Một loạt những điều chỉnh đồ án quy hoạch thời gian gần đây cho thấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang có sự "xoay chuyển định hướng" không gian phát triển về khu Tây Bắc thành phố. Thực tế, dù được coi là "hướng phát triển phụ" nhưng khu vực phía Tây Bắc thành phố có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng kết nối đến các khu vực phụ cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An... cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung.

Động thái này vô hình chung xác lập "thế chân vạc" trong thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh, bao gồm: Khu Đông, khu Nam và Tây Bắc.

Cơ hội bứt phá của khu Đông

Khu Đông TP Hồ Chí Minh bao gồm các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và một phần quận Bình Thạnh. Theo các chuyên gia, khu vực này đang có cơ hội lớn để bứt phá, vượt lên so với hai khu vực còn lại bởi những lợi thế tuyệt đối của mình.

Đầu tiên phải kể đến chính là lợi thế về hạ tầng giao thông và hệ thống tiện ích đồng bộ. Trong vài năm trở lại đây, chính sách phát triển hạ tầng của TP Hồ Chí Minh hướng mạnh vào phía Đông với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm.

Chẳng hạn như cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm và đường Võ Văn Kiệt, cầu Sài Gòn và một loạt tuyến đường từ quận 9, quận 2 nối với quận 7 thông qua cầu Phú Mỹ. Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã thông xe, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút triển khai. Đường Phạm Văn Đồng -  Tuyến đường huyết mạch nối liền khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với toàn quận Thủ Đức đã được đưa vào sử dụng khiến cho việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Đặc biệt, theo giới thạo tin, tới đây, một đại gia BĐS phía Bắc, nổi tiếng với việc đầu tư đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội như khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học... đã mua lại toàn bộ khu đất tại vòng xoay Đào Trinh Nhất (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) và sẽ đầu tư xây dựng một Trung tâm thương mại lớn nhất tại khu vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, việc trung tâm thương mại của vị "đại gia phía Bắc" này được xây dựng và đi vào hoạt động, giá trị bất động sản tại các khu vực lân cận sẽ được nâng lên rất nhiều. Và cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tiện ích đầy đủ, khu Đông đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, đặc biệt là trong giai đoạn từ đây đến cuối năm.

Lợi thế thứ hai phải kể đến của BĐS khu Đông chính là giá bán. Theo ông Dương Minh Tiến - Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị, Công ty BĐS Danh Khôi, xét ở cả hai phương diện gồm cơ hội an cư và đầu tư kinh doanh, BĐS phía Đông TP Hồ Chí Minh đều đang là lựa chọn lý tưởng của khách hàng trong giai đoạn này.

Bởi bên cạnh lợi thế về hạ tầng, tiện ích, so sánh về mặt bằng chung, giá BĐS tại khu Đông TP Hồ Chí Minh đang ở mức cực kỳ hợp lý. Trong khi các chuyên gia đang cảnh báo về nguy cơ bội thực nguồn cung BĐS cao cấp (căn hộ, nhà phố, biệt thự...) với giá bán "cao ngất ngưởng", thì khu Đông hiện tại vẫn là nơi tập trung nhiều nhất những dự án có mức giá trung bình, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo ghi nhận, hầu hết các dự án tại khu Đông TP Hồ Chí Minh đang được chào bán trên thị trường với đơn giá trung bình 14,5 triệu đồng/m2. Cá biệt có dự án Linh Tây Tower của Công ty BĐS Danh Khôi Việt có giá bán từ 12,9 triệu đồng/m2. Với việc chỉ phải thanh toán đến 50% tổng giá trị căn hộ là khách hàng đã có thể nhận nhà vào ở, theo các nhà đầu tư, đây là dự án căn hộ được đánh giá là "hot nhất tại Thủ Đức" hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng cũng cho rằng, lợi thế cạnh tranh của BĐS khu Đông TP Hồ Chí Minh lúc này chính là giá bán và tiến độ xây dựng dự án, bởi những yếu tố về tiện ích, hạ tầng hầu như không còn là lợi thế riêng của bất cứ ai trong cùng khu vực.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường của cả Savills và CBRE, quý 3/2015 vừa qua, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững thanh khoản vượt trội, nguồn cung dồi dào...Trong đó, khu vực phía Đông thành phố tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung cũng như lượng giao dịch thành công.