Tính đến sáng ngày 14/8, thế giới ghi nhận 21.050.368 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 752.330 ca tử vong, trong khi 13.893.539 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.409.887 ca nhiễm và 170.225 người chết, tăng lần lượt 55.049 và 1.269 ca so với một ngày trước đó. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins nhận định vaccine do nước này phát triển khó có thể được cấp phép trước tháng 11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ, đồng thời thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có triệu chứng nặng, nhưng nguyên cứu mới cho thấy nhóm này vẫn có khả năng lây truyền virus.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 105.463 sau khi ghi nhận thêm 1.201 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 54.402 trong 24 giờ qua, lên 3.224.876. Cuối tuần qua, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 người chết.
Với hơn 14.000 ca tử vong vì Covid-19, bang Rio là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai của đại dịch ở Brazil, sau Sao Paulo.
Nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan, Thị trưởng Rio de Janeiro Marcelo Crivella tuyên bố những người tới bãi biển phải giãn cách xã hội và đặt chỗ trước trên bãi cát thông qua ứng dụng, dù biện pháp này được cho là sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 3,7 triệu trường hợp mắc Covid-19 đã được ghi nhận ở châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó có 218.383 trường hợp tử vong.
Ngày 13/8, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã đạt thỏa thuận mua 400 triệu liều vaccie ngừa Covid-19 tiềm năng đang được hãng Johnson & Johnson của Mỹ phát triển
Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Giám đốc điều hành hãng Johnson & Johnson hôm 13/8 cho biết sau các cuộc đàm phán sơ bộ, EU đã quyết định mua 200 triệu liều đầu tiên, tiếp sau là một con số tương đương.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo: “Công dân và nền kinh tế của EU cần một loại vaccine an toàn và hiệu quả phòng Covid-19. Các cuộc hội đàm hôm nay đưa chúng ta đến gần hơn với việc đạt được điều này".
EU đặt mua trước 200 triệu liều vaccie ngừa Covid-19 tiềm năng đang được hãng Johnson & Johnson của Mỹ phát triển. |
Hợp đồng dự kiến với Johnson & Johnson sẽ cung cấp khả năng cho tất cả các quốc gia thành viên EU mua vaccine ngừa Covid-19 cũng như quyên góp cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn.
EU cho biết họ đang trong "cuộc thảo luận chuyên sâu" với các nhà sản xuất khác về những loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng.
EU sử dụng khoảng 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) từ quỹ khẩn cấp để thực hiện các hợp đồng mua trước với một số nhà sản xuất vaccine nhằm đảm bảo đủ liều tiêm cho 450 triệu công dân của mình.
Trước đó vào ngày 31/7, Ủy ban châu Âu cho hay đã đặt 300 triệu liều vaccine tiềm năng khác đang được phát triển bởi công ty Sanofi của Pháp.