Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế Giới Di Động và những toan tính đầy nghi ngờ

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/11, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã ban hành tái cấu trúc các Công ty con và Công ty liên kết.

Theo đó, trong 2 năm 2021 - 2022 MWG tăng 4.000 tỷ vốn điều lệ và thành lập thêm công ty cổ phần kinh doanh kho bãi và dịch vụ vận tải (vốn điều lệ 100 tỷ đồng) để mở rộng, phát triển kinh doanh.
Màn tăng tốc ngoạn mục

Thành lập tháng 3/2004, hai năm đầu Thế Giới Di Động chỉ có 4 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh chuyên về mặt hàng điện thoại di động. Năm 2007, MWG đã thuyết phục Mekong Capital đầu tư để nâng số chuỗi cửa hàng lên con số 40 vào năm 2019, tạo đà cho việc lấn sang lĩnh vực kinh doanh sang ngành hàng điện tử tiêu dùng với thương hiệu Dienmay.com (nay đổi thành Dienmayxanh.com) một năm sau đó.

Đến cuối năm 2012, Thế Giới Di Động có tổng cộng 220 cửa hàng chuyên về bán điện thoại di động tại Việt Nam. Điều này giúp cho Robert A. Willett-cựu CEO BestBuyInternational và Công ty CDH Electric Bee Limited quyết định đầu tư vào MWG (tháng 5/2013). Với tham vọng trở thành đại gia thương mại điện tử năm 2017, MWG đã tiến hành đàm phán sáp nhập và mua lại hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh khi đó với 34 siêu thị máy tính, điện thoại di động, hàng điện máy.

Tháng 6/2017, MWG mang chuông đi đánh nước người khi khai trương cửa hàng BigPhone đầu tiên tại Campuchia, diện tích mỗi cửa hàng chỉ vào khoảng 150 - 200m2. Tháng 6/2020, BigPhone đã được chuyển đổi thành Bluetronics - hoạt động theo mô hình Điện Máy Xanh tại Việt Nam. Đến nay chuỗi điện máy Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia đã có 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành, doanh thu mỗi tháng ở Campuchia vào khoảng 165 tỷ đồng. MWG đang đặt mục tiêu mở thêm 30 cửa hàng vào cuối năm nay để phủ 25/25 tỉnh, thành tại nước láng giềng này, và sẽ dừng lại tại con số này.

Con số tăng trưởng doanh thu 263% của Bluetronics tại thị trường đất nước chùa Tháp trong đại dịch Covid-19 đang là giấc mơ cho bất cứ doanh nhân nào. Chỉ mất 4 năm, Bluetronics chính thức trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia. Điều này khiến cho MWG tự tin nhắm tới thị trường Indonesia, Myanmar, Philippines, thậm chí Thái Lan. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, CEO Trần Kinh Doanh cho rằng, với kinh nghiệm, khả năng quản trị và nhu cầu thị trường điện thoại di động, điện máy nói chung việc vươn ra nước ngoài của MWG sẽ rất khả thi.

Tháng 3/2018, không dừng lại đó Thế Giới Di Động mua lại 40% vốn của chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, sau đó đổi tên thành chuỗi nhà thuốc An Khang. Trong khi các đối thủ đang còn phân tích cú “rẽ ngang” của MWG thì An Khang đã có chuỗi 119 nhà thuốc trên toàn quốc và doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm nay đã gấp 5 lần năm ngoái (khách quan là do tình hình dịch bệnh).

Một cửa hàng Thế Giới Di Động tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Linh
Những con số biết nói

9 tháng đầu năm 2021, MWG có doanh thu thuần 86.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.338 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 12% so với cùng kỳ. Doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 9.320 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và đạt 69% kế hoạch doanh thu và 70% lợi nhuận sau thuế được coi là một kỳ tích trong bối cảnh đại dịch lan rộng khắp toàn quốc.

Chuỗi Điện Máy Xanh với tổng doanh thu lũy kế 22.600 tỷ đồng, đảm bảo tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Chuỗi Thế Giới Di Động cũng ghi nhận doanh thu giảm 7%. Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh và Bluetronics (Campuchia) có doanh thu tăng đến 50% và 263% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với góc độ kinh tế, việc 60% trong số chuỗi 2.731 cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đóng cửa, tỷ trọng doanh thu bán hàng trực tuyến trên tổng doanh thu lên con số 7% nên doanh thu lũy kế chỉ đạt 63.900 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng MWG đang đầy tham vọng khi có cú nước rút khi gấp rút thay đổi chiến lược đầu tư lên sàn thương mại điện tử quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 50% kênh bán hàng online.

Chuỗi Bách Hóa Xanh dù tỷ trọng doanh thu bán hàng trực tuyến trên tổng doanh thu chỉ mới đạt 3% có doanh thu lũy kế 22.600 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Sở dĩ có được điều đó do Bách Hóa Xanh đã vượt các đối thủ trong lĩnh vực bán laptop cho học sinh học trực tuyến đầu năm khi đã bán được hơn 50 ngàn sản phẩm đem về doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

Thứ hạng trong khu vực Báo cáo tổng kết lượng truy cập

website trung bình của các sàn thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á năm 2020 do iPrice Group và SimilarWeb công bố hôm nay, ngày 16/3/2021, Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hóa Xanh và FPT Shop xếp ở các vị trí lần lượt 5, 6, 8, 9 và 10 trong bảng xếp hạng 10 website thương mại điện tử ở khu vực được ghé thăm nhiều nhất.
Trong đó, Thế Giới Di Động có 28,6 triệu lượt truy cập trung bình năm, chỉ cách Bukalapak ở vị trí số 4 hơn 7 triệu lượt truy cập. Đây là những con số đáng mừng cho các công ty kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam nói chung và 2 thương hiệu Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh.
Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam do Iprice công bố MWG có 2 trong 3 thương hiệu có lượng truy cập lớn nhất trong quý 2/2021. Nếu “ông lớn” Shopee có trung bình 72.970.000 lượt người trung cập mỗi tháng thì Thế Giới Di Động có 36.226.700 lượt người truy cập, Điện Máy Xanh có 21.323.300 lượt người truy cập, bỏ xa 2 ông lớn Lazada và Tiki. Đặc biệt trên nền tảng YouTube với 802.000 lượt người truy cập thì Thế Giới Di Động bỏ xa các ông lớn đang chiếm lĩnh sàn điện tử thương mại Việt Nam.
Câu chuyện mở rộng địa bàn, mặt hàng kinh doanh của MWG đang được các chuyên gia phân tích thị trưởng quan tâm. Tháng 4/2021, trong bối cảnh vắng khách, chỉ tận dụng sảnh các cửa hàng Điện Máy Xanh tại TP Hồ Chí Minh để bố trí thử nghiệm 2 địa điểm bán xe đạp. Thấy có hiệu quả, họ lập tức nâng lên 43 điểm (tháng 9) và lên kế hoạch nâng lên 150 điểm trong phạm vi toàn quốc vào cuối năm. MWG đang có kế hoạch để tấn công thị trường xe đạp khoảng 5.000 tỷ đồng/năm khi người dân có nhu cầu luyện tập trong đại dịch Covid-19.

Những dấu hỏi thú vị

Trong bối cảnh khá nhiều ông lớn đang nghe ngóng tình hình, thậm chí thu hẹp kinh doanh thì MWG đã mạnh thay sắp xếp, thay đổi chủ sở hữu và nâng vốn điều lệ, thành lập mới công ty.
Theo đó, MWG quyết định chuyển đổi chủ sở hữu Công ty TNHH Dịch vụ lắp đặt và bảo hành Hạnh Tâm, Công ty 4K FARM (sản xuất nông nghiệp sạch) về Công ty mẹ. MWG quyết định tái cấu trúc Công ty An Khang (dược), chuyển đổi cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cho Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh để tiện bề quản lý theo ngành hàng.

Đồng thời, quyết định thành lập mới công ty kinh doanh kho, bãi, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics (vốn điều lệ 100 tỷ đồng). Đặc biệt là tăng vốn điều lệ cho Bách Hóa Xanh thêm 3.200 tỷ đồng và MWG thêm 800 tỷ đồng để mở rộng phát triển kinh doanh. Nếu như các quyết định chuyển đổi chủ sở hữu, tái cấu trúc Công ty An Khang đơn thuần chỉ là “động tác kỹ thuật quản trị” đơn thuần thì việc HĐQT MWG quyết định thành lập mới 1 công ty (nâng tổng số công ty lên con số 7) và nâng vốn điều lệ 2 công ty khác có tổng trị giá 4.100 tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 được giới kinh doanh bàn tán, nghi hoặc tính khả thi.

17 năm qua, Chủ tịch MWG và là người sáng lập ra thương hiệu Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài đã chủ trì rất nhiều thương vụ mua, bán, giải thể, sáp nhập các công ty được cho là đầy bất ngờ. Nếu năm nay MWG hoàn thành mục tiêu 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thế thì ông hoàn toàn có thể thuyết phục các cổ đông dùng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối để tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh. Nhưng MWG sẽ đầu tư ngành hàng gì? Địa bàn nào? Phải chăng MWG sẽ tấn công mạnh sang lĩnh vực sàn thương mại điện tử đang còn rất nhiều tiềm năng mà Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang có số lượng người truy cập cao trong top 10 khu vực Đông Nam Á?

MWG với 3 chuỗi Thế Giới Di Động (950 cửa hàng), Bách Hóa Xanh (1.934), Điện máy Xanh (1.781) trong nước và 50 cửa hàng Bluetronics (Campuchia) với tổng cộng 4.715 cửa hàng (tính đến 31/9/2021) đang là thương hiệu bán lẻ có tiếng tăm tại khu vực Đông Nam Á.