Ngày 15/11, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết tiền bản quyền và phí sử dụng bằng phát minh trên toàn cầu đã tăng mạnh trong bốn thập kỷ qua và hiện đạt kỷ lục 180 tỷ USD/năm, tăng gấp 60 lần so với mức năm 1970. Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry nhấn mạnh thực tế này cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của các thị trường tri thức và công nghệ. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, các nước có thu nhập cao như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản và Mỹ vẫn là những nước có số bằng phát minh sáng chế cao nhất. Các nước này chiếm tới 70% tổng chi phí nghiên cứu và phát triển toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo của WIPO cho biết khu vực địa lý của các phát minh sáng chế đang chuyển đổi. Nếu vào năm 1993, Mỹ chiếm 36,8% chi phí nghiên cứu và phát triển toàn cầu, Nhật Bản chiếm 16,5% chi phí, Đức 8,6% trong khi Pháp chiếm 5,9%, Anh 4,8% còn Trung Quốc chỉ chiếm 2,2% thì vào năm 2009, các số liệu này lần lượt là Mỹ 33,4%, Nhật Bản 11,5%, Đức 6,7%, Pháp 3,8%, Anh 3,3%, trong khi đó Trung Quốc đã vượt lên chiếm 12,8%. Các trường đại học đệ trình nhiều bằng phát minh sáng chế nhất từ năm 1980 đến 2010 là các trường đại học ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.