Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từ chức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo kinh tế Mỹ - Trung hủy họp báo, bộc lộ bất đồng không giải quyết; Quốc hội Philippines chấp thuận gia hạn thiết quân luật tại đảo Mindanao; Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từ chức… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer  từ chức
Phát ngôn viên kiêm Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng, ông Sean Spicer đã tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo ngày 21/7.
Theo truyền thông Mỹ, do không đồng ý với quyết định của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 21/7 đã thông báo từ chức.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 21/7 đã thông báo từ chức. Ảnh: Reuters
Ông Spicer đưa ra quyết định từ chức sau khi nói với Tổng thống Trump rằng quan điểm của ông phản đối việc ông chủ Nhà Trắng bổ nhiệm doanh nhân Anthony Scaramucci, từng làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs, đảm nhiệm vai trò Giám đốc Truyền thông.
Sau khi Tổng thống Trump quyết định mời ông Scaramucci làm việc trong ngày 21/7, ông Spicer nhấn mạnh rằng việc bổ nhiệm này sẽ làm cho Nhà Trắng thêm mệt mỏi trong thời gian tới, theo nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump đang gặp phải một loạt vấn đề từ việc vận động loại bỏ ObamaCare ở Thượng viện cho tới việc con trai ông và một số cộng sự của ông đã gặp một luật sư người Nga. Ông Trump cho rằng việc bổ nhiệm thêm một lãnh đạo truyền thông sẽ giúp ông vượt qua mọi thử thách dễ dàng hơn.
Sau khi tuyên bố từ chức, phát biểu trên kênh Fox News, ông Spicer nói rằng việc Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông Scaramucci dẫn đến tình trạng có "quá nhiều đầu bếp” trong hoạt động truyền thông của Nhà Trắng, đó là lý do khiến ông đưa ra quyết định này.
Ông Spicer chia sẻ rằng ông mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố ông Spicer ra đi vào tháng 8. Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders sẽ thay ông Spicer trong nhiệm vụ Phát ngôn viên Nhà Trắng sau khi ông từ chức.
 Bà Sarah Huckabee Sanders sẽ thay ông Spicer trong nhiệm vụ Phát ngôn viên Nhà Trắng sau khi ông Spicer từ chức. Ảnh: AFP
Trước khi trở thành phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Spicer là người phát ngôn Ủy ban Cộng hòa Quốc gia, từng làm trong chính phủ Tổng thống George W. Bush.
Việc ông Spicer ra đi không hoàn toàn bất ngờ và chấm dứt thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng đầy sóng gió. Nổi bật nhất là vụ cấm quay phim và truyền hình các cuộc họp báo của Nhà Trắng. 
Quốc hội Philippines chấp thuận gia hạn thiết quân luật đến hết năm 2017
Ngày 22/7, Quốc hội Philippines đã đồng ý gia hạn thiết quân luật ở đảo Mindanao, miền Nam nước này đến cuối năm nay, tạo điều kiện cho Tổng thống Duterte có thêm thời gian đối phó với nhóm phiến quân Maute có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong một phiên họp đặc biệt kéo dài 7 giờ của Thượng viện và Hạ viện của Philippines vào ngày 22/7, tổng cộng 261 nhà lập pháp, chiếm khoảng 2/3 thành viên Quốc hội, đã đồng ý gia hạn thiết quân luật tại đảo Mindanao đến hết năm 2017.
Ngày 22/7, Quốc hội Philippines đã đồng ý gia hạn thiết quân luật ở đảo Mindanao. Ảnh: Reuters
Điều này cho phép Tổng thống Rodrigo Duterte có thêm thời gian để dập tắt cuộc nổi loạn của lực lượng phiến quân Maute và nhóm khủng bố Abu Sayyaf có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những người đã chiếm đóng thành phố (TP) Marawi, miền Nam của Philippines hơn 2 tháng qua.
Trước cuộc bỏ phiếu, các quan chức quân đội chính phủ lập luận với Quốc hội rằng thiết quân luật cần thiết cho việc ổn định khu vực mà IS đang giành ảnh hưởng và ngăn chặn các cuộc nổi dậy tiếp theo ở Mindanao.
Chính phủ Philippines đã áp đặt tình trạng thiết quân luật tại đảo Mindanao từ hôm 23/5, sau khi nhóm phiến quân nổi dậy Maute và nhóm khủng bố Abu Sayyaf chiếm đóng TP Marawi.
Nhóm phiến quân Maute đã kháng cự mạnh mẽ, kéo dài cuộc tấn công nhằm chiếm giữ Marawi trong vòng 2 tháng qua và hiện vẫn còn một số ít binh lính đang ẩn mình trong trung tâm thương mại của TP này.
Các cuộc không kích và pháo kích của lực lượng quân đội Philippines đã khiến hơn 500 người thiệt mạng và hơn 260.000 người dân phải di cư lánh nạn.
Hai tháng sau khi ban bố thiết quân luật, lực lượng quân đội và cảnh sát Philippines vẫn chưa tiêu diệt được phiến quân Maute và giải phóng TP Marawi. Bởi vậy, Tổng thống Duterte hôm 18/7 vừa qua đã gửi thư yêu cầu Quốc hội gia hạn đến cuối năm nhằm có thêm thời gian để kết thúc cuộc chiến ở Marawi.
Người phát ngôn Abella trích dẫn đề xuất của Tổng thống Duterte gửi tới Quốc hội: "Mục tiêu chính của việc gia hạn là cho phép các lực lượng của chúng tôi tiếp tục các hoạt động tại Marawi, nhưng không bị hạn chế về thời hạn và có thể tập trung nhiều hơn vào việc giải phóng cũng như việc tái thiết TP này”.
Ông Duterte cho biết, hiện vẫn còn 600 nhà cửa tại Marawi chưa được quân chính phủ kiểm tra nhằm xác nhận không bị các tay súng chiếm đóng hay bị cài bom.
Hiến pháp năm 1987 chỉ cho phép tổng thống ban bố thiết quân luật trong thời gian tối đa 60 ngày. Điều này có nghĩa thiết quân luật ở Mindanao sẽ hết hạn vào hôm nay (22/7). Bất kỳ sự gia hạn nào cũng cần được Quốc hội chấp thuận.
Hội thảo kinh tế Mỹ - Trung hủy họp báo, bộc lộ bất đồng không giải quyết
Cuộc thảo luận kinh tế cấp cao tại Washington hôm 19/7 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung cho thấy các bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn khó giải quyết.
3 tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những lời tốt đẹp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump liên tiếp có các thắng lợi thương mại như đưa thịt bò Mỹ vào Trung Quốc, cũng như nhận được sự hỗ trợ từ quốc gia châu Á trong việc kiềm chế Triều Tiên.
Tuy nhiên, kỳ trăng mật ngắn ngủi giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đã chấm dứt. Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã quay trở lại công kích Trung Quốc. Tổng thống Mỹ chê trách, hành động của Bắc Kinh với Triều Tiên trong việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này là chưa đủ. Vừa qua, Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng, như một động thái báo hiệu sự kiên nhẫn của Washington đã đến giới hạn.
Sau các động thái làm ấm quan hệ, Mỹ - Trung đã lại bộc lộ bất đồng.
Gần nhất, cuộc thảo luận kinh tế cấp cao tại Washington hôm thứ Tư (19/7) đã không thể đưa ra được tuyên bố chung. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã chỉ trích Bắc Kinh về sự mất cân bằng thương mại với Mỹ trong phát biểu khai mạc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross đã chỉ trích khoảng cách thương mại giữa Bắc Kinh và Washington với giọng điệu gay gắt khác thường. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ đã ngày càng mở rộng, dẫn đến thâm hụt thương mại khoảng 309 tỷ USD.
Ông Ross cũng kêu gọi phải cân bằng lại mối quan hệ thương mại và đầu tư một cách công bằng hơn. Đáp lại, Phó Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, đối thoại không thể giải quyết ngay lập tức mọi sự khác biệt, nhưng đối đầu sẽ làm tổn hại lợi ích của cả hai bên.
Sau đó, cả hai bên đã không đưa ra được Tuyên bố chung như thường lệ và hủy bỏ buổi họp báo dự kiến.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi một email thông báo hủy cuộc họp báo dự kiến vào cuối ngày. Phía Trung Quốc cũng hủy bỏ một cuộc họp báo riêng. Đại diện phía Mỹ đã ban hành một tuyên bố nhưng không cho thấy bất kỳ tiến triển mới nào từ cuộc đối thoại giữa 2 bên.
Shen Jianguang - Nhà kinh tế trưởng của Mizuho Securities Asia Ltd. cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump có thể đã có những kỳ vọng không thực tế về việc Trung Quốc sẽ hợp tác để cân bằng thương mại. Diễn biến của cuộc họp dự báo, các cuộc đàm phán thực sự khó khăn sẽ bắt đầu.
David Loevinger, nhà nghiên cứu về các thị trường mới nổi thuộc TCW Group Inc. và đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán kinh tế với Trung Quốc cho biết, đối đầu với Bắc Kinh về thâm hụt thương mại không phải là một chiến lược tốt.
Ông Loevinger cũng chê trách chính quyền Tổng thống Trump phát ngôn quá nhiều nhưng lại không có các biện pháp đi kèm.
Tình báo Mỹ: Các nước vùng Vịnh đã gây hấn trước với Qatar
Thông tin được tờ Washington Post đưa ra, dẫn lời quan chức tình báo Mỹ cho biết, các nước vùng Vịnh đã tấn công website chính phủ Qatar, khơi mào khủng hoảng.
Theo đó, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE) đã sắp xếp một vụ tấn công trang thông tin và mạng truyền thông xã hội của chính phủ Qatar hồi cuối tháng 5 để đăng một phát ngôn sai lệch liên quan đến Tiểu Vương Qatar, khơi mào cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Tiểu Vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani được dẫn lời ca ngợi Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas và nói rằng, Iran là “quyền lực Hồi giáo”. Đáp trả, Ả Rập Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến đường giao thông với Doha vào ngày 5/6, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Tờ Washington Post trích dẫn lời quan chức tình báo Mỹ cho biết, các nước vùng Vịnh đã tấn công website chính phủ Qatar.
Đại diện chính phủ Qatar cho hay những kẻ tấn công mạng đã đăng các phát biểu giả mạo của Tiểu Vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Tuy nhiên, các nước vùng Vịnh bác bỏ lý giải này.
Tờ Washington Post dẫn lời quan chức tình báo Mỹ cho biết, theo kết quả phân tích, quan chức chính phủ cấp cao UAE đã bàn bạc về kế hoạch tấn công mạng hôm 23/5, một ngày trước khi sự việc xảy ra.
Hiện vẫn chưa rõ UAE tấn công website hay trả tiền cho các hacker để thực hiện vụ tấn công. Danh tính của quan chức tình báo cũng được tờ Washington Post giữ kín.
Đại sứ UAE Ambassador Yousef al-Otaiba bác bỏ các thông tin này.