“Thế khó” của doanh nghiệp bán lẻ nhìn từ câu chuyện Thế giới di động: Hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro

Hà Lâm - Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, câu chuyện Thế giới Di động có công văn thông báo và tự chuyển tiền thuê mặt bằng đã giảm khi chưa đàm phán xong với đối tác đã khiến dư luận rất quan tâm. Dù có những phản ứng trái chiều, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” là cần thiết giữa đại dịch, việc hỗ trợ đối tác vừa là cứu người, vừa cứu chính mình.

Một miếng khi đói, bằng một gói khi no
Mới đây, trên mạng xã hội, status của anh P.L.K- chủ của một chuỗi café được đánh giá là “có gu” tại Hà Nội nhận được sự hỗ trợ thiện chí của chủ cho thuê mặt bằng đã nhận được rất nhiều bình luận tích cực. “Cuối tháng này đến hạn đóng tiền nhà. Chắc không cần phải nói nhiều, anh cũng biết là em rất khó khăn.Từ tháng 7 đến hết tháng 9 gần như chuỗi không mở cửa được ngày nào. Vậy, kỳ này, em mong anh hỗ trợ và giảm cho e 2 tháng tiền nhà, hỗ trợ em vượt qua giai đoạn khó khăn”. Tin nhắn của anh K ngay lập tức nhận được sự đồng ý của chủ cho thuê mặt bằng. “Tôi đã có nhà đầu tư thiên thần và may quá, cũng có chủ nhà thiên thần”- anh viết.
Một chi nhánh kinh doanh của Thế giới Di động
Chuỗi bán lẻ café của anh K chỉ là một trong rất nhiều DN khối bán lẻ đang vật lộn trong khó khăn. Dịch bệnh, nhu cầu giảm, giãn cách xã hội, với các DN bán lẻ, mỗi đợt giãn cách là một lần đau. Thêm một lần giãn cách là thêm một lần DN như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, anh K cũng như nhiều DN khác từ lớn đến nhỏ vẫn phải cố gắng nỗ lực “bơi” để tồn tại qua đại dịch.
Status của anh P.L.K đã nhận được rất nhiều bình luận: “Ở hiền gặp lành Bác ạ. Cố gắng qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh này”. Mong chủ nhà nào của chuỗi anh cũng như vậy. Chủ nhà thật có tâm. Chính bản thân anh P.L.K cũng thừa nhận: “Cũng tùy điều kiện của chủ nhà. Nếu bản thân họ cũng khó khăn thì lực bất tòng tâm. Nỗ lực hết mình thôi. Chỉ mong tất cả các hộ kinh doanh, DN và người lao động mạnh mẽ qua dịch”- anh K cho hay.
Thực tế, trong các chi phí của DN bán lẻ, chi phí mặt bằng chiếm tỷ lệ khá lớn. Vì thế, thời gian qua, trên các nẻo đường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các bảng biển: “Trả lại mặt bằng”, hay “cho thuê mặt bằng” xuất hiện càng ngày càng phổ biến. Hàng loạt các chi nhánh, cửa hàng bán lẻ trả lại mặt bằng kinh doanh vì không gánh nổi chi phí.
Để chia sẻ khó khăn với DN ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua đã có nhiều chủ mặt bằng chủ động giảm giá thuê. Trên khắp các tuyến phố tại các quận trung tâm hà Nội như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân… không khó để bắt gặp các biển thông báo công khai giảm giá thuê mặt bằng.
Bà N.T.Hòa, chủ nhà có mặt bằng cho thuê trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cho biết: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay hầu như shop thời trang đang thuê mặt bằng của gia đình tôi không bán được hàng, đặc biệt trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, tôi đã giảm 30% giá thuê mặt bằng, để người thuê có điều kiện khởi động lại kinh doanh”.
Đứng ở góc độ chủ cho thuê mặt bằng, bà Hòa phân tích: Hỗ trợ người thuê mặt bằng trong lúc khó khăn này để giữ chân khách hàng và là việc làm đôi bên cùng có lợi. Bởi nếu người đi thuê phải gánh thêm một khoản chi phí quá cao, họ sẽ không thể vực dậy kinh doanh, dẫn đến việc tạm dừng hoạt động hoặc bỏ đi tìm một mặt bằng khác chi phí thấp. Đến lúc đó, chính chủ nhà sẽ gặp bất lợi.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, lợi nhuận DN quý 3 bị đe doạ. Bán lẻ là một trong 2 nhóm ngành được dự đoán khó phục hồi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Ước tính của VNDIRECT, dù lĩnh vực bán lẻ hồi phục tích cực trong quý 2/2021 nhưng các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ làm gián đoạn đà phục hồi trong quý 3/2021.
Tìm phương án “win-win”
Thực tế, tác động của giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành để phòng chống dịch đã phản ánh lên kết quả kinh doanh thời gian qua của nhiều DN bán lẻ.
Đơn cử, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG) đã phải trải qua thử thách chưa từng có khi gần 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. 
Tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm nhất kể từ đầu năm 2021 của MWG với doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, tương ứng giảm 25% và 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, MWG đạt 78.495 tỷ đồng doanh thu và 3.006 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vẫn tăng lần lượt 8% và 12% qua đó thực hiện 63% mục tiêu cả năm đề ra.
Trong bối cảnh khó khăn, khối DN bán lẻ đã tự nỗ lực để đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hồi giữa tháng 8/2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG khẳng định, công ty sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo sẽ cố gắng để tổn thất ít hơn thị trường chung và chuẩn bị cho sự phục hồi. “Nếu quý 4 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm với 125.000 tỷ đồng doanh thu và 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế”- ông Tài nhấn mạnh.
Dù vận hành 3 chuỗi điện máy, điện thoại và bách hoá, MWG dù chịu ảnh hưởng mạnh trước áp lực Covid-19, tuy nhiên, chỉ số kinh doanh luỹ kế 8 tháng vẫn tăng trưởng. Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng - tăng 8% và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng - tăng 12% so với cùng kỳ.
Ông Mạc Quốc Anh- Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cầu hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của khối bán lẻ.
Một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển chuỗi bán lẻ là DN phải tìm được những mặt bằng rộng, trung tâm để thu hút được người tiêu dùng. Mà những mặt bằng lợi thế này thường có giá rất cao. Chi phí mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí của các DN bán lẻ. Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm, giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố cũng khiến nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa thì mong muốn giảm giá mặt bằng là phù hợp. “Câu chuyện “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, mỗi bên chịu thiệt một chút là cần thiết trong bối cảnh này”- ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng cho hay, việc tìm tiếng nói chung giữa các bên cũng nên có lộ trình. Khi chưa đàm phán được phương án phù hợp, các bên cũng cần ngồi lại để có giải pháp phù hợp. “Ví dụ, nên có lộ trình đàm phán giảm giá mặt bằng cho thuê. Có thể giảm từ 10%, 20%, 30% thay vì giảm ngay 30% giá thuê chẳng hạn”- ông Quốc Anh cho biết.
Trước đó, trong văn bản gửi đối tác mặt bằng, Thế giới Di động cho hay, hệ thống của DN này hoạt động rộng khắp trên cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, gần 2.000 cửa hàng đang phải tạm đóng cửa hoặc tạm dừng bán hàng. Vì vậy, DN này mong muốn MWG gửi tới các đối tác mặt bằng, đề nghị được hỗ trợ với chi tiết: “Không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước. Không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch”.
Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng". Đến tháng 9/2021, MWG có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm. 
Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ban hành quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, giảm 30% cho tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

“Câu chuyện “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, mỗi bên chịu thiệt một chút là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Thực tế, khi đối tác chia sẻ với nhau là “cứu người” và tự “cứu mình”.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nền kinh tế trong nước đã trải qua quý 3/2021 đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. GDP quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Số DN ngừng hoạt động từ đầu năm cao kỷ lục. Tính chung 9 tháng, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn DN, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần