70 năm giải phóng Thủ đô

Thế nào mới đúng là đi chùa tích phước?

Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đi chùa là một truyền thống văn hóa có từ 26 thế kỷ trước, mục đích của việc đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội” - Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam chia sẻ về những ý nghĩa sâu xa của văn hóa đi chùa trong giáo lý nhà Phật.

Theo Thượng Tọa Thích Nhật Từ: Các bạn trẻ khi đi chùa, nên ăn mặc lịch sự, trang nghiêm, phù hợp văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Vào thời Đức Phật mà hiện nay nền văn hóa Phật giáo Nam tông vẫn còn giữ đó là Phật tử khi đi chùa có thể mặc bất cứ loại trang phục truyền thống nào mà dân tộc mình trực thuộc.
Màu sắc các y phục đến chùa là màu trắng, trong nền văn hóa Phật giáo màu trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh, trang nghiêm, thanh cao, là một biểu tượng văn hóa Phật giáo tại Ấn Độ. Tại những nước truyền thống Nam tông ngày nay còn giữ. Còn tại các nước Bắc tông như Việt Nam, sắc phục dành cho Phật tử lúc đầu là màu nâu, từ khoảng mấy mươi năm trở lại đây, từ Huế đến Cà Mau thì sử dụng màu lam rất trang nhã, lịch sự và đẹp.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhiều thanh niên Phật tử khi đi chùa chưa phải là Phật tử hoặc mới có thiện cảm về Phật giáo thì không nhất thiết phải mặc áo tràng, nhưng quý bà, quý cô cũng không nên mặc váy, mặc đầm vì nó không phù hợp với văn hóa tâm linh đạo Phật. Còn những người nam nói chung không nên mặc quần đùi, áo thun.
Về những thói quen khắc tên, lời cầu nguyện của mình lên thân cây, vách tường chùa hoặc hái trái cây ở chùa xem như lộc Phật, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng đó là điều không nên. Nơi tôn nghiêm cần những biểu hiện vừa văn hóa vừa lịch sự, giới trẻ cần ý thức được truyền thống văn hóa tốt đẹp này, để không làm mất đi nét thanh tịnh của chốn thiền môn, và cả nét thanh lịch của mình.
“Tôi nghĩ, giới trẻ và mọi thành phần khi đi chùa chỉ thắp một nén nhang tượng trưng. Chùa nào ở trước chánh điện có một lư hương lớn bằng đồng, bằng đá hoặc bằng một chất liệu gì đó nghĩa là vị trụ trì ở đó có dụng ý muốn chúng ta cắm nhang vào lư hương đó. Khi vào chánh điện chúng ta chỉ chắp tay lạy để trải nghiệm đời sống tâm linh và tinh thần, không cần phải thắp nhang nữa.
Việc thắp hương ở chánh điện quá nhiều sẽ gây ô nhiễm không khí, làm cho không gian thờ phượng bị xuống sắc bởi màu khói và chùa phải tốn tiền để trang nghiêm lại các tượng Phật sau một mùa lễ hội, đặc biệt là sau mùa Tết. Nhang khói không phải là phương tiện duy nhất để gửi trọn lòng tôn kính của mình với các đấng tâm linh, mà tâm thành là một phương tiện tốt nhất để chúng ta quán tưởng hướng về” - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Đồng thời, vào chùa làm lễ cầu nguyện hay trải nghiệm tâm linh thì sự yên lặng là biểu hiện trang nghiêm rất cần thiết. Yên lặng cũng là biểu hiện truyền thống văn hóa Phật giáo, trải nghiệm đời sống nội tại một cách sâu lắng hơn, nói cười lớn tiếng, ồn ào ở nơi công cộng còn không nên huống hồ là vào một nơi tôn nghiêm như cửa Phật. Cho nên, giới trẻ cần phải ý thức nét đẹp văn hóa này để vào chùa thân an, tâm yên thì chúng ta mới có đủ điều kiện để trải nghiệm các giá trị an lạc.
Để đi chùa có lợi ích và góp phần làm đẹp thiền môn, tích tạo phước điền cho mình, các bạn trẻ cần lưu tâm các việc sau: Thứ nhất, đến chùa không chỉ đơn thuần lạy Phật cầu nguyện vì đây là phần tín ngưỡng mà các tôn giáo đều có, đạo Phật vượt lên trên các loại tín ngưỡng thông thường vì đạo Phật đi vào chiều sâu minh triết.
Vì thế các bạn nên có mặt và tham dự vào những buổi thuyết giảng, thường vào ngày 14 và cuối tháng âm lịch hoặc buổi tối ở các chùa hoặc vào Chủ nhật ở một số ngôi chùa có giảng đường. Việc tham dự vào các buổi học về minh triết Phật giáo sẽ giúp giới trẻ có được một nhân sinh quan, một thế giới quan, một tư duy đúng đắn, một lối hành xử tích cực, giá trị minh triết sẽ hướng dẫn và giúp định hướng cuộc đời của giới trẻ một cách tốt đẹp hơn.
Thứ hai, tại các chùa không chỉ là trung tâm tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa và giáo dục, các lễ hội văn hóa Phật giáo thường xuyên được diễn ra, giới trẻ cần xem biết các thông báo của các chùa về các chương trình để chúng ta dự phần vào, có được như thế thì các hoạt động văn hóa và tâm linh sẽ được tốt đẹp.
Thứ ba, là giới trẻ khi đi chùa nên cố gắng, người nam thì dẫn thêm bạn nữ của mình, bạn nữ thì dẫn thêm bạn trai, vợ chồng đi cùng nhau để sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh được chia đều, được hưởng đều. Do đó đời sống nhận thức và lối sống ứng xử hai bên sẽ tương thích với nhau mà theo Đức Phật đó là một trong những điều kiện để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình.
"Tôi tin rằng, khi giới trẻ đến chùa với các tâm niệm vừa nêu, tham dự được các hoạt động giáo dục, văn hóa và tâm linh thì phước báo sẽ được trọn vẹn, chứ không nên dừng lại ở góc độ tín ngưỡng chỉ là cái vỏ bên ngoài của đạo Phật. Minh triết Phật giáo là cái quan trọng hơn, quyết định hành vi, lối sống hàng ngày, nếu bỏ phần đó thì lợi lạc và phước báo nó thật sự không nhiều như chúng ta mong đợi" - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.